Các khu bảo tồn biển ở miền Trung: Mỗi nơi một kiểu bảo tồn

Cập nhật: 02/11/2012
Gần 10 năm qua, mỗi khu bảo tồn ở miền Trung đã có những cách làm khác nhau về giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế biển.

Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam là 2 khu bảo tồn biển đầu tiên của nước ta. Gần 10 năm qua, mỗi khu bảo tồn đã có những cách làm khác nhau về giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế biển.

7 năm trước, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thành lập, 80% số dân làm nghề biển ở xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam rất lo lắng về chuyện khai thác hải sản đã bị hạn chế. Thế nhưng khi Khu bảo tồn triển khai Hợp phần sinh kế bền vững để hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề thì đến nay chỉ còn 40% dân sống nhờ khai thác thủy sản, số còn lại chuyển sang dịch vụ, du lịch, chế biến hải sản.

Ông Trần Xá, ở xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam kể: “Khi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hình thành, chúng tôi cũng được hỗ trợ nhiều của Khu bảo tồn để chuyển qua du lịch. Được Unesco công nhận là sinh quyển thế giới, bảo tồn biển hình thành thì dân du lịch đến đảo Cù Lao Chàm đông, người dân phát triển rất mạnh từ giao lưu, buôn bán, phát triển các nghề”.

Năm 2009, UNESCO đã công nhận Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tổ chức này đánh giá rất cao vai trò cộng đồng tham gia bảo tồn biển. Môi trường biển được bảo vệ giúp Cù Lao Chàm trở thành điểm sáng về du lịch của tỉnh Quảng Nam. Theo đó, thu nhập từ du lịch đã giúp đời sống người dân trên đảo thay đổi rõ rệt, tình trạng khai thác hải sản trong vùng lõi khu bảo tồn giảm hẳn. Người dân được hưởng lợi từ công tác bảo tồn, coi môi trường biển là một phần tài sản của mình.

Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Sau khi khu bảo tồn biển được đánh giá là thành công trong đồng quản lý, Uỷ ban tỉnh cũng đã có chủ trương giao hẳn một khu trong khu bảo tồn biển giao cho thôn Bãi Hương. Họ sẽ quản lý, khai thác toàn bộ khu vực mặt nước”.

Trong khi đó, Khu bảo tồn vịnh Nha Trang chưa tạo ra sự chuyển biến tích cực. UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép đầu tư quá nhiều dự án du lịch lớn tại vịnh Nha Trang, tạo sức ép lên khu bảo tồn. Trong vòng 10 năm qua, vịnh Nha Trang đã có gần 100 héc ta mặt biển bị lấp để làm các khu đô thị, du lịch. Hoạt động san lấp đã hủy diệt diện tích san hô rất lớn. Hàng chục cống nước thải đổ thẳng ra vịnh gây ô nhiễm môi trường biển.

Ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang cho biết: Các chương trình hỗ trợ sinh kế đã hết thời hạn tài trợ, cơ chế phối hợp còn nhiều lúng túng. “Cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp cần phải được rõ ràng. Nếu không sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, làm cho các cơ quan bảo tồn biển như chúng tôi thực hiện khó khăn. Phối hợp như thế nào là tự mình suy nghĩ ra thôi, còn trên thực tế chưa có hướng dẫn chung để các cơ quan khác tuân thủ và thực hiện”, ông Trương Kỉnh cho biết thêm.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi, Tổng cục Thủy sản cho biết toàn quốc đang có 5 khu bảo tồn biển, đều gặp nhiều khó khăn; chỉ có 2/5 khu bảo tồn biển được phê duyệt kế hoạch quản lý. Nhiều địa phương phát triển mạnh du lịch nhưng chưa tính đến việc bảo tồn và phát triển kinh tế.

Đã đến lúc các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương cùng chung tay và thống nhất hàng động trong bảo tồn và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Nguồn: VOV