Hãy là người có văn hóa khi đi lễ đền, chùa

Cập nhật: 25/02/2013
Đã thành phong tục, sau những ngày tết sum họp bên người thân trong gia đình, mọi người lại sắm sửa lễ vật đi đền chùa cầu bình an, may mắn cho cả năm.

Lễ chùa đầu năm từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Bởi vậy, tháng Giêng, hầu hết các đền chùa, nhất là những địa điểm nổi tiếng như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… mỗi ngày đều thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan, trẩy hội, cầu tài, cầu lộc… Thế nhưng hiện nay, bên cạnh nét đẹp tâm linh ở nơi tôn nghiêm, thành kính, không ít những hình ảnh phản cảm nơi cửa Phật khiến chúng ta phải day dứt, chạnh lòng…

 

Tiết trời tháng Giếng, khu di tích lịch sử Đền Hùng thờ Quốc tổ Vua Hùng đón những đợt mưa xuân dày như rây bột, vậy mà cũng không làm cho lượng khách thập phương đổ về đây ít đi. Lớp trẻ thì du xuân, vãn cảnh, người trung tuổi thì đi lễ cầu mong sức khỏe, bình an, làm ăn may mắn. Lạnh thì đã có áo ấm, mưa thì đã có ô, có mũ, có áo mưa. Thế nhưng, điều đáng buồn người viết được chứng kiến suốt từ Đền Hạ lên Đền Thượng là những túi nilon, vỏ kẹo, vỏ chai nước ngọt được vứt vương vãi trên đường đi. Những chiếc áo mưa dùng một lần cũng được du khách, nhất là các bạn trẻ sẵn tiện bỏ luôn trên ghế đá, vệ cỏ ven đường sau khi trời đã tạnh... Thùng rác dọc đường đi được Ban Quản lý di tích bố trí khá nhiều, nhưng vẫn có rất nhiều người cố ý làm ngơ, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

 

Một hình ảnh phản cảm hơn nữa đó là du khách vô tư bỏ nhừng tờ tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng kẹp vào bát hương, gốc cây cổ thụ, thậm chí là ném xuống hồ sen ngay trước cửa đền. Hành động đó được nhiều người bắt chước nhau như một trò vui, nhất là với các học sinh, sinh viên.

 

Có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Đời sống ngày một phát triển, vật chất với mỗi người đã không còn quá thiếu thốn nên việc dâng lễ với mâm cao cỗ đầy với nhiều người là chuyện đơn giản. Thế nhưng, “Phật tại tâm”, đâu phải lễ to, tiền nhiều mới được thần, phật phù hộ, che chở? Ở những Đền, Phủ nổi tiếng như Đền Trần (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Bà Chúa kho (Bắc Ninh)... có những người làm kinh doanh, ngày lễ dâng lên thánh đủ mọi thứ từ bia, rượu, xôi gà, thuốc lá đến voi, ngựa, quần áo... thứ gì cũng rực rỡ, hoành tráng... Lễ vật thành tâm bỗng nhiên bị biến tướng thành “hối lộ thánh thần”, phân biệt giàu nghèo và gây lãng phí, không cần thiết.

 

Ở hầu hết các đền, chùa, Nhà chùa và Ban quản lý di tích đã treo những tấm biển ghi rõ "đề nghị quý khách không thắp hương", "cấm đốt vàng mã"... tại cổng và những điểm dễ nhận thấy nhất. Thế nhưng, không ít du khách vẫn đốt nhiều hương, vàng mã la liệt khiến tình trạng khói hương mù mịt, ngột ngạt. Thậm chí, nhiều người vẫn mang hương ra cắm ở các gốc cây đường đi, tường rào gây lộn xộn, mất mỹ quan và mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Đền chùa là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh, nhưng nhiều người đến chùa lại thiếu ý thức khi thể hiện những hành động hái cây, bẻ cành, viết, khắc chữ, vẽ hình lên mọi chỗ, mọi nơi. Không ít bạn trẻ lên chùa ăn mặc phản cảm, kệch cỡm, với những ngôn từ giao tiếp thiếu lành mạnh, vô văn hóa và có những hành động chen lấn, xô đẩy, giành giật giữa chốn tâm linh.

 

Mùa xuân đi lễ chùa, có người coi đó là dịp du xuân ngắm cảnh, có người đến với mong ước bình an, hạnh phúc. Dù là với mục đích gì đi nữa thì mỗi người cũng cần tự ý thức và trách nhiệm trong mỗi hành vi ứng xử nơi công cộng tại các địa danh văn hóa - lịch sử để lễ chùa đầu năm luôn giữ được vẹn nguyên nét đẹp văn hóa tâm linh đầy tính nhân văn, trong sáng.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn