Nhiều lễ hội lớn vẫn còn lộn xộn do ý thức của người tham gia lễ hội kém.

Cập nhật: 22/05/2013
Đó là đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở trong hội nghị Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Quý Tỵ, năm 2013. Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch, dịch vụ, nâng cao các giá trị sản vật ở địa phương, tạo nguồn tài chính để bổ sung vào ngân sách nhà nước, tái tạo trùng, tôn tạo di tích và các hoạt động lễ hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Những mặt được của công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm nay gồm công tác tuyên truyền đã được chú trọng đổi mới; Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực; Chất lượng dịch vụ phục vụ du khách được nâng cao; Việc quản lý thu-chi tiền công đức, tiền giọt dầu, tiền lễ tại một số lễ hội dần dần công khai, minh bạch hóa; Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường thường xuyên, xử lý kịp thời các tiêu cực phát sinh trong lễ hội&hellip

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL cũng thừa nhận, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở một số địa phương còn mang nặng tính hành chính, dịch vụ hàng quán lộn xộn, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội so với lượng khách hành hương ngày một tăng… Điển hình là lễ hội đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 tháng Giêng với cảnh tượng chen lấn, xô đẩy kinh hoàng, đạp đổ hàng rào bảo vệ để giành giật, tranh cướp đồ lễ trên ban thờ, ném tiền lẻ lên kiệu rước… Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), vẫn còn cảnh chen lấn, xô đẩy, khấn thuê, đốt đồ mã; lễ hội đền Đồng Bằng, Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), chùa Bồ Đà, Thổ Hà (Bắc Giang), chùa Non núi Thần Linh (Quảng Bình)… vẫn còn tình trạng chèo kéo khách, trò chơi cờ bạc trá hình, khấn thuê, bày bán sách tử vi, xem bói, rút thẻ, nâng giá dịch vụ&hellip

Đáng lo ngại hơn, việc bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường ở nhiều di tích chưa được nhân dân, du khách chú trọng. Hiện tượng đặt tiền công đức đã được thu gom nhưng chưa triệt để. Việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, bày biện đồ thờ không đúng nghi lễ truyền thống, khắc bia ghi danh công đức, lắp đặt mái tôn, mái vẩy… làm ảnh hưởng tới kiến trúc của di tích. Đâu đó vẫn còn hiện tượng dâng đồ lễ bằng thức ăn chín, đặt hòm công đức không phù hợp hoặc đặt tiền lễ không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, là hiện tượng: Xả rác bừa bãi, đặt tiền giọt dầu, đưa đồ mã vào nơi công cộng, khu di tích

Những tồn tại của lễ hội, được cho là phần lớn xuất phát từ ý thức chưa tốt của người tham gia lễ hội. “Một bộ phận người dân tham gia lễ hội vẫn còn kém, chưa chấp hành các quy định của ban tổ chức”- ông Phạm Bá Khiêm- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ khẳng định. Ông Khiêm cho biết: Như lễ hội Đền Hùng, mặc dù rất động du khách nhưng không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, song lại không tránh được hiện tượng xả rác. Dù BTC đã bố trí rất nhiều thùng rác dọc đường song ý thức của người dân vẫn chưa tự giác bỏ rác vào thùng”.

Theo ông Khiêm các địa phương cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức từ cấp lãnh đạo đến nhân dân. Chỉ khi ý thức tham gia lễ hội của từng người dân được nâng cao thì an toàn, văn minh lễ hội mới được đảm bảo.

Để hạn chế những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, PGS-TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Các lễ hội hiện nay đang có xu hướng mở rộng phạm vi do lượng du khách ngày một đông. Đối với các lễ hội đang có hiện tượng mở rộng phạm vi như vậy, cần phải đưa tư duy công nghệ về tổ chức sự kiện vào tổ chức lễ hội truyền thống. Việc này thực ra chúng ta đang làm nhưng vẫn mang tính tự phát. Cần phải có những tổng kết, có những lớp tập huấn, hướng dẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước để các đơn vị ở phía dưới thay đổi về tư duy và có công nghệ để tổ chức lễ hội&rdquo

Chưa có năm nào công tác tổ chức và quản lý lễ hội được ngành văn hóa quan tâm như mùa lễ hội năm 2013. Trước mùa lễ hội diễn ra, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013; thành lập 6 đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL làm trưởng đoàn, thực hiện kiểm tra 46 điểm di tích diễn ra các lễ hội lớn tại 17 tỉnh, thành phố. Các địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý lễ hội, phối hợp với các cơ quan chức năng giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội…Phải thừa nhận, nhiều mặt hạn chế của lễ hội đã giảm khi có sự vào cuộc kiểm tra của các cơ quan trung ương.

Tuy nhiên, để giải quyết những tồn tại của lễ hội không phải chỉ bằng biện pháp kiểm tra của các cơ quan trung ương, càng không phải chỉ giải quyết trong một, hai mùa lễ hội vì đây là vấn đề liên quan đến ý thức của người tham gia. Một tổng thể các biện pháp như sự quan tâm của các cấp chính quyền, sớm ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức lễ hội, tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý di tích và tổ chức lễ hội đã được chỉ ra nhằm khắc phục những tồn tại của lễ hội. Đặc biệt, biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền để người dân địa phương và du khách hiểu được về giá trị của di tích, từ đó có thêm nhận thức, ý thức văn hóa ứng xử với thần linh, có trách nhiệm khi tham gia lễ hội được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi ý thức người dân tham gia lễ hội được nâng cao thì mới mong những hạn chế của lễ hội được khắc phục, bởi người dân chính là chủ thể của lễ hội./

Hồng Hà

Nguồn: : toquoc.vn