Cải thiện môi trường du lịch Hà Nội: Nhiều ngành sẽ vào cuộc

Cập nhật: 24/06/2013
Hà Nội vừa được trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor xếp thứ 14 trong danh sách 25 điểm đến tại châu Á được du khách yêu thích nhất. Đây là niềm tự hào, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức để Hà Nội duy trì và phát huy lợi thế ấy trong thời gian tới.

 

Cùng “chung tay”

 

Trong những năm qua, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện  pháp để ngăn chặn tình trạng "bắt chẹt" du khách, sớm cải thiện môi trường du lịch Thủ đô. Gần đây, Sở VHTT&DL đã phối hơp với Công an TP, Sở GTVT, UBND các quận huyện cùng "chung tay" mở cuộc kiểm tra xử lý các hiện tượng làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch và "chung sức" đề xuất các giải pháp quản lý. Trong đó, nhiều xích lô "dù" đã bị tịch thu khi bị phát hiện hoạt động trở lại.

 

Ngoài ra, để tạo môi trường du lịch Thủ đô thân thiện, Sở VHTT&DL và Công an TP đã làm việc với 4 doanh nghiệp được phép kinh doanh xích lô du lịch để đưa hoạt động này vào quy chuẩn.

Để xử lý xích lô "dù" cũng như các hành động chèo kéo hoặc "bắt chẹt" du khách, ông Đinh Hồng Phong - Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết, công an quận đã xây dựng các biện pháp dẹp những đối tượng thường xuyên chèo kéo khách du lịch ở xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ. Cùng với đó, trên hệ thống thông tin của các phường đã thường xuyên thông báo cho người dân biết tình trạng này để họ phát hiện và cung cấp thông tin.

 

Đại diện quận Đống Đa cũng cho hay, công an quận đã trực tiếp xử lý các hiện tượng đeo bám du khách, bán hàng rong tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ga Hà Nội. Tính đến thời điểm này, về cơ bản những hiện tượng tiêu cực đã giảm mạnh.

 

Xây dựng chế tài đủ mạnh

 

Ngành du lịch nên khuyến cáo du khách không cho tiền người ăn xin ngoài đường. Nếu du khách muốn, các khách sạn sẽ bố trí hòm để du khách làm từ thiện. Khi chúng ta làm được việc này, tình trạng đeo bám khách sẽ mất.

 

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2013 tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi đó, con số này ở các địa phương lại giảm mạnh. Đây là tín hiệu mừng đối với Hà Nội trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, đó chưa phải là "điểm dừng", như Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích, phát triển du lịch, tạo môi trường du lịch chuyên nghiệp phải xuất phát từ sự tham gia của người dân và toàn xã hội. Vì vậy, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, TP sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch và những người trực tiếp tiếp xúc với du khách; Khen thưởng nhân rộng các gương người tốt việc tốt trong việc giữ gìn môi trường du lịch.

 

Về phía các nhà quản lý, Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ phối hợp các cơ quan chức năng và một số quận, huyện trọng điểm về du lịch, thiết lập hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của khách du lịch. Những trọng điểm về du lịch như khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về chèo kéo, đeo bám, ép giá, lừa đảo du khách. Tuy nhiên, trong việc xử lý các vi phạm, ông Đinh Hồng Phong đề nghị cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để giải quyết triệt để. Bởi, hiện nay mức xử phạt vi phạm về bán hàng rong, chèo kéo, ép giá du khách chỉ bị tạm giữ hành chính không quá 12 giờ và xử phạt tối đa 100.000 - 150.000 đồng. "Chính vì vậy, hôm nay dẹp ở khu phố này, ngày mai họ lại xuất hiện ở khu phố khác với nhiều kiểu cách khó phát hiện, xử lý" - ông Phong nói.

Nguồn: KTĐT