Chiến lược quốc gia chống biến đổi khí hậu: Xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng

Cập nhật: 22/07/2013
Việt Nam có khoảng 50% thành phố nằm ở ven biển, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển đang tăng lên nhanh chóng, cơ cấu ngành, nghề có thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế mới.

Dân số tập trung ở vùng ven biển, ước tính đến năm 2020 tăng lên khoảng 19- 30 triệu người. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xói lở bờ biển ở VN đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

 

Mức độ xói lở đối với từng khu vực và từng địa phương khác nhau, phụ thuộc vào cấu trúc đường bờ, các quá trình động lực và hoạt động của con người. Ở miền Bắc có 5 đoạn bờ bị xói lở liên tục từ năm 1930 đến nay, trong đó có 2 khu vực bị xói lở nghiêm trọng là Cát Hải (Hải Phòng) và Hải Hậu (Nam Định).

 

Ở khu vực miền Trung, quá trình xói lở đang diễn ra tại hầu hết ở các kiểu cấu tạo bờ: sỏi cát, bùn sét, bùn, cát… nhưng nghiêm trọng nhất là bờ cát (chiếm 94% tổng số đoạn bờ bị xói lở), trong đó có nhiều đoạn bờ có công trình đê kè, trồng cây, bồi bằng vật liệu mảnh vụn san hô, trai, ốc… nhưng vẫn tiếp tục bị xói lở.

 

Ở khu vực miền Nam, trong vòng 25 năm trở lại đây, hiện tượng này xảy ra trên nhiều đoạn bờ, tính chất và cường độ ở mỗi tỉnh khác nhau, trong đó diễn ra mạnh nhất là ở Cần Giờ (TP.HCM) và Đông Hải (Trà Vinh), và Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Trần Văn Thời (Cà Mau). Hiện tượng xói lở này một phần nguyên nhân từ biến đổi khí hậu (diễn biến bất thường của mưa bão, nước biển dâng…), nhưng cũng do con người với các hành động xây dựng công trình ven biển, thủy điện, khai thác khoáng sản, cát, phá rừng ngập mặn… ).

 

Xói lở bờ biển đã đe dọa những công trình dân sinh kinh tế, phá vỡ đê kè gây ngập lụt và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Văn Công, Phó giám đốc Trung tâm Hải Văn (Bộ TN-MT) cho biết: “Trong hoạt động xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, chương trình nâng cấp đê sông, đê biển, chương trình phòng chống sạt lở đã đóng góp to lớn trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng cường năng lực của cộng đồng trong việc thích ứng, phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo phát triển bền vững.

 

Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai đang còn hạn chế, sự hiểu biết và thực thi pháp luật chưa cao, nguồn lực về tài chính của cộng đồng không đủ để thực hiện theo các quy chuẩn về xây dựng, phòng tránh thiên tai. Hệ thống chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế còn nhiều chồng chéo, xung đột và chưa thống nhất đã gây không ít khó khăn trong việc đối phó với xói lở bờ biển, trong quản lý rủi ro ven biển ở VN”.

 

Hiện nay, Tổng cục Biển và hải đảo VN đang hoàn thiện báo cáo quốc gia về xói lở bờ biển tại VN, đề cập đến những khía cạnh khác nhau của việc quản lý xói lở bờ biển: thực trạng, các cơ chế chính sách pháp lý, đánh giá hiệu quả và hạn chế, thách thức trong việc phòng tránh xói lở bờ biển ở VN, can thiệp thí điểm tại một số địa phương…

 

Báo cáo là một trong những lộ trình của dự án COBSEA Yeosu – giải quyết thách thức của mực nước biển dâng và xói lở bờ biển ở các nước Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực xây dựng một dự án về quản lý xói lở bờ biển trong bối cảnh nước biển dâng, giảm thiểu những tác hại do xói lở bờ biển gây ra.

 

Dự án nhằm nâng cao năng lực tại các quốc gia thành viên của dự án (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, VN) để tăng cường tính bền vững, khả năng phục hồi và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên ven biển bị đe dọa của xói lở bờ biển và mực nước biển dâng đến tài nguyên và các hệ sinh thái liên quan.

 

Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN cho biết: Trong thời gian tới để tiến hành phòng, chống có hiệu quả thiên tai, xói lở bờ biển cần tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp phù hợp với từng đoạn bờ, cửa sông cụ thể. Nâng cao nhận thức người dân về hậu quả xói lở bờ biển, thiên tai, thực hiện tốt Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước. Điều chỉnh các chính sách về phát triển kinh tế có liên quan đến xói lở bờ biển, tăng cường cơ sở pháp lý, quy hoạch bảo vệ bờ biển, chống khai thác tài nguyên bừa bãi...

 

Việt Nam sẽ đăng cai diễn tập ứng phó thiên tai khu vực ASEAN

Ngày 18.7, tại Nha Trang (Khánh Hòa), trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã cùng các thành viên gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia tổ chức hội thảo xây dựng năng lực APEC về tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu đến từ các nước thành viên của APEC, hội nghị do Bộ NN&PTNT chủ trì.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đây là một hoạt động quan trọng của nhóm APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp trong năm 2013, nhất là tìm kiếm và cứu nạn đối với các thảm họa thiên nhiên. Được biết, theo kế hoạch tháng 8.2013 Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai khu vực ASEAN năm 2013. Lê Xuân

 

Quỳnh Hoa

Nguồn: baovanhoa.vn