Kiên Giang hướng tới nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường

Cập nhật: 26/08/2013
Tỉnh Kiên Giang xây dựng chương trình hành động bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2020 để kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường theo tinh thần nội dung Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI).

 

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2015, các khu công nghiệp, khu đô thị xây dựng mới trên địa bàn phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn quy định; 95% chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. Hơn 90% hộ dân trở lên có cầu vệ sinh hợp vệ sinh và 90% chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh. Đến năm 2020, tỉnh không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. 100% hộ dân có cầu vệ sinh hợp vệ sinh và 95% chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP từ 8 - 10% so với năm 2010 của quốc gia.

 

 Tỉnh tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, giảm sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả những dự án biến chất thải thành năng lượng sạch; tận dụng, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhất là điện gió, sản xuất ít phát thải khí nhà kính; sản xuất và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng gạch không nung… Tỉnh t ập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, cơ bản hoàn thành bộ chỉ tiêu về môi trường trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới; khắc phục, xử lý các điểm ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, bãi rác, đoạn sông, kênh, rạch ô nhiễm.

 

 Các dự án khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải có nội dung cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường hoàn chỉnh trước khi tiếp nhận dự án đầu tư. Các cơ sở sản xuất đang hoạt động nằm ngoài khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường và lộ trình di dời vào khu tập trung sớm nhất. Tỉnh kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với những trường hợp vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng; không cho triển khai các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Kiên Giang chú trọng khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường, gắn với quy hoạch chỉnh trang các đô thị lớn như: thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc…, không để xảy ra ô nhiễm môi trường các thị trấn, chợ xã; quan tâm bảo vệ môi trường vùng nông thôn. Tỉnh thực hiện có hiệu quả Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, duy trì và nâng cao hoạt động nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Rạch Giá.

 

 Tỉnh triển khai chặt chẽ các quy định, các giải pháp kinh tế trong khai thác khoáng sản, đảm bảo làm tốt phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; ngưng hoạt động đối với việc khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh xử lý môi trường cho các khu nuôi trồng thủy sản tập trung vùng Tứ giác Long Xuyên, khu Cảng cá Tắc Cậu. Việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ được tăng cường nhằm ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên liệu và nhiên liệu không đảm bảo yêu cầu về môi trường. Tỉnh tập trung triển khai quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang; xây dựng và triển khai có hiệu quả các thể chế về bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải chi trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường”.

 

 Kiên Giang bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển từ Hà Tiên đến huyện An Minh. Công tác quản lý rừng được tăng cường, nhất là rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng - Vườn di sản ASEAN, ngăn chặn nạn chặt phá rừng và phòng chống cháy rừng có hiệu quả. Tỉnh hoàn thành công tác điều tra, xác định yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và lập dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Tỉnh tập trung triển khai các hoạt động điều tra các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý Khu dự trữ sinh quyễn thế giới tỉnh Kiên Giang đã được UNESCO công nhận; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, quý hiếm, đặc hữu; các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập, phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại. Kiên Giang thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh hệ sinh thái thiên nhiên núi đá vôi Kiên Lương, khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, đầm Đông Hồ - Hà Tiên; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt như: xung điện, thuốc nổ, cào bờ, xiệt mé… gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và gần bờ, đảm bảo cân bằng sinh thái.

 

 Tỉnh tăng dần mức chi sự nghiệp môi trường, đảm bảo bố trí tối thiểu từ 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính từ cộng đồng, kết hợp với tăng chi cho đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng các công trình xử lý chất thải mang tính công ích, thực hiện các dự án đầu tư cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường sẽ được đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư bảo vệ môi trường; tiếp tục phát triển Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh để tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp và ủy thác hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tỉnh chú trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường.

Nguồn: Tinmoitruong.vn /TTXVN