Đa dạng sinh học trong hệ sinh thái Rừng Khộp

Cập nhật: 15/10/2013
Hệ sinh thái rừng khộp là hệ sinh thái độc đáo, hiếm có trên thế giới, hiện chủ yếu chỉ còn ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm một phần rất lớn. Rừng khộp Tây Nguyên rất phong phú về tài nguyên, đa dạng về sinh học và có giá trị lớn đối với kinh tế, xã hội.

Qua điều tra khảo sát của các nhà khoa học, rừng khộp Tây Nguyên hiện có 404 loài thực vật thuộc 94 họ, trong đó 120 loài cung cấp gỗ với nhiều loài gỗ quý như: Giáng hương, cà te, trắc, gụ mật... Bên cạnh còn có cây cẩm liên, sao đen tiết nhựa ra một cách tự nhiên dọc vỏ thân cây không rơi xuống đất mà đọng lại như nhũ đá, có mầu trắng. Hàm lượng tinh dầu trong nhựa dầu rái có tỷ lệ cao tới 50% được dùng trong công  nghệ sơn, đánh bóng gỗ. Dưới tán lá cây họ dầu và cây lấy gỗ là loài song, mây, tre, nứa... và thảm cỏ dày đặc làm nguồn thức ăn phong phú cho động vật móng guốc.  Ở đây còn có 23 loài phong lan muôn mầu sắc, hơn 150 loài cây cho lá và quả làm thức ăn cho người và động vật, có 64 loài cây dùng làm dược liệu như: địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, mã tiền... nhưng hiện nay Tây Nguyên chưa có kế hoạch khai thác, bảo vệ, nhân nuôi để phát triển thành nơi cung cấp nguồn dược liệu, hương liệu cho cả nước và xuất khẩu.

 

Nói đến tài nguyên quý giá của rừng khộp phải nói đến sự đa dạng của các loài động vật. Theo điều tra hiện có 62 loài thú thuộc 26 họ 11 bộ, 196 loài chim thuộc 46 họ 18 bộ, 46 loài bò sát, 15 loài ếch nhái, 15 loài cá và hàng nghìn loài côn trùng, động vật đất. Có nhiều động vật quý hiếm như: bò tót, trâu, bò rừng, bòm xám, hươu cà tông, hươu vàng, hổ, vọoc bạc, voọc ngũ sắc, gà lôi, cá sấu... riêng chó rừng là loài thú ăn thịt đầu tiên phát hiện thấy ở Việt Nam. Trong số 51 loài động vật quý hiếm ở Đông Dương thì rừng khộp Tây Nguyên có 38 loài, loài thú đặc hữu có 5 loài. Đây là những nguồn gien tự nhiên dự trữ quan trọng cho ngành chăn nuôi trong tương lai không những ở nước ta mà còn với quốc tế bảo vệ tài nguyên (JUCN). Mật ong cũng là vật phẩm nổi tiếng ở Tây Nguyên có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe.

 

Tuy nhiên, hiện nay, rừng Khộp đang bị thu hẹp do việc khai thác gỗ bừa bãi, nạn phá rừng làm rẫy. Nạn cháy rừng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái rừng khộp, mất nguồn trữ nước cho mùa khô ở Tây Nguyên, và rừng đầu nguồn chặn lũ cho các tỉnh miền trung và Đông Nam Bộ. Tất cả những mối đe dọa đối với rừng Khộp Tây Nguyên đã được đưa ra tại Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ V” với trọng tâm bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

 

Cũng tại hội nghị lần này, các nhà khoa học cho rằng:  Cần khẩn thiết cứu lấy hệ sinh thái rừng khộp, áp dụng các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn kịp thời những hoạt động có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên, đặc biệt là các giải pháp có tính chiến lược như: Xây dựng chiến lược, quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần lồng ghép các hoạt động bảo tồn rừng khộp trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vì vậy Nhà nước cần cho "đóng cửa” rừng khộp để cứu lấy hệ sinh thái rừng này. Quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp cần sớm có trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước. Lồng ghép bảo tồn rừng khộp cũng phải có trong chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH các địa phương Tây Nguyên. Một số trạm cứu hộ động vật ở Đắk Lắk, Gia Lai cần được xây dựng - các nhà khoa học đề nghị. Thí điểm mô hình chăn nuôi động vật hoang dã dưới tán rừng, khu nhân giống các loài cây quý hiếm bản địa phục vụ nhân rộng ở địa phương…

 

Hơn thế nữa, cần có nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân về giá trị đích thực của rừng Khộp đối với đời sống kinh tế, tinh thần cũng như mức độ nghiêm trọng khi hệ thống rừng này bị tàn phá.

Nguồn: monre.gov.vn