Thêm giải pháp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 14/04/2014
Thời gian qua, các dự án BVMT của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có những đóng góp rất quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường (BVMT) Vịnh Hạ Long.

Các giải pháp này được đánh giá là bền vững, có tác động lâu dài, qua đó, góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị di sản. Hiện, các dự án của JICA đang tập trung vào việc xử lý rác thải trên Vịnh, nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu sạch cho hệ thống tàu du lịch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường Vịnh.


Trong dự án cơ sở 1 của JICA là Dự án Hỗ trợ nâng cao nhận thức của công dân để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được thực hiện từ tháng 10-2009 đến tháng 9-2012 với tổng kinh phí 50 triệu yên Nhật (khoảng 13 tỷ đồng). Trong thời gian thực hiện dự án này, JICA đã phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thực hiện song song việc cải thiện môi trường Vịnh thông qua giải pháp thu gom, xử lý rác thải và tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân sinh sống tại các làng chài trên Vịnh. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng như: Thu thập, phân loại rác thải và xỉ than tại 2 làng nổi Vung Viêng, Cửa Vạn; giảm lượng nước thải bếp và giặt tại tất cả làng nổi; giáo dục truyền thông về môi trường tại các điểm trường tiểu học tại các làng nổi; giảm rác thải và nước thải từ hệ thống tàu du lịch thông qua việc sơ chế thực phẩm trước khi mang lên tàu; trồng rừng ngập mặn với sự hợp tác của người dân.

 

Giáo sư Koji Otasuka, Giám đốc Dự án cơ sở JICA, Trường Đại học Osaka (Nhật Bản) cho biết: Ở giai đoạn I của dự án cơ sở JICA, chúng tôi chú trọng đến việc cải thiện môi trường Vịnh thông qua việc nâng cao ý thức của người dân sinh sống trên Vịnh; giúp họ có giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường sống của chính họ đồng thời hướng tới sự chung tay của người dân cùng với chính quyền bảo vệ di sản. Chúng tôi cũng đề xuất một kế hoạch thiết lập tàu thu gom rác thải và xỉ than từ các làng nổi trên biển vận chuyển vào đất liền và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ và xi măng. Tuy nhiên trong giai đoạn đó do nhiều nguyên nhân nên đề xuất này chưa được tiến hành. Được sự thống nhất của tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn II của dự án cơ sở, JICA sẽ thực hiện dự án “Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long”. Dự án này thực hiện từ tháng 11-2013 đến tháng 9-2016. Tổng nguồn vốn dự án là 60 triệu yên, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Với thời gian đủ dài, nguồn kinh phí lớn và sự hợp tác tích cực từ phía tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ đạt được nhiều bước tiến đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường di sản Vịnh Hạ Long một cách hiệu quả, bền vững.

 

Phát triển nhiên liệu sạch

Song song với việc triển khai dự án cơ sở giai đoạn II của JICA, hiện nay, Trường Đại học Osaka đang phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Việt Nam thiết lập 5 mô hình liên quan đến sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học tại 5 địa phương trong cả nước. Trong đó, Hạ Long là một trong 5 địa phương thực hiện dự án này. Trong kế hoạch của Hạ Long, nguồn cây nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học được trồng tại các bãi thải than, và nhiên liệu sinh học sản xuất ra được sử dụng cho hệ thống tàu du lịch. Mục đích chính của kế hoạch này là nhằm đưa ra nhiên liệu sinh học thay thế, góp phần BVMT Vịnh. Đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam cho biết thêm: Nhiên liệu sinh học sau khi sản xuất được sử dụng để vận hành các loại tàu du lịch, tàu thu gom và vận chuyển rác trên Vịnh Hạ Long. Hệ thống này ngoài giải quyết các vấn đề về môi trường Vịnh còn hướng tới sự tiến bộ của loại hình du lịch sinh thái ở khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phát triển theo hướng bền vững.

 

Trong hơn 1 năm qua, với sự hỗ trợ của JICA, tỉnh Quảng Ninh hợp tác với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nghiên cứu sản xuất và sử dụng nguyên liệu diesel sinh học trên tàu du lịch. Đây là loại nhiên liệu sạch thay thế được sản xuất từ các nguồn tái tạo 100% và không tạo ra khí thải gây ô nhiễm. Theo đánh giá của các giáo sư đầu ngành Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu tàu sử dụng 5% lượng dầu diesel sinh học (pha với 95% dầu diesel thông thường) có thể giảm khoảng 30% lượng khí độc hại thải ra môi trường so với việc sử dụng 100% dầu diesel thông thường. Trong giai đoạn đầu, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty TNHH Vận chuyển khách Bài Thơ cho chạy thử nghiệm trên các tàu du lịch của đơn vị này với lượng dầu diesel sinh học từ 5-10%. 

 

Để hỗ trợ các dự án về BVMT của JICA triển khai thuận lợi nhất, mới đây, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành đang khẩn trương hoàn thành báo cáo trình UBND tỉnh về các phương án thu gom rác thải, chất thải, quản lý xả thải trên Vịnh Hạ Long, giáo dục bảo vệ môi trường Vịnh. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ thẩm định và cho tiến hành triển khai các nội dung phương án này. Song song với đó, tỉnh cũng đã hoàn thành cơ bản Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh, tiến hành lắp các thiết bị tự động giám sát môi trường.

 

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh