Làng nghề truyền thống Quảng Nam: Thoát cảnh đìu hiu nhờ du lịch

Cập nhật: 04/07/2014
Trong khi nhiều làng nghề vốn nổi tiếng của Quảng Nam một thời đang rơi vào nguy cơ tàn lụi vì không có đầu ra ổn định, hàng Trung Quốc lấn át, lao động bỏ nghề, nguyên liệu đắt đỏ… thì một số làng nghề hiện được đầu tư quy hoạch, kết hợp thành điểm đến trong các tour du lịch lại rất hút khách khi đến Quảng Nam.

Trong khi làng rau Trà Quế trở thành điểm đến hấp dẫn khi kết hợp sản xuất với làm du lịch.


Đến làng nghề đúc đồng nổi tiếng một thời ở Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn) la liệt những cửa hàng bán đồ đúc đồng nhưng đều ế ẩm, loe hoe vài ba khách hỏi mua.


Vào những năm từ 1980-1987, làng nghề Phước Kiều được xem là hưng thịnh nhất. Từ sau đó, làng nghề dần lụi tàn. Hiện nay, các xưởng sản xuất cổ truyền hầu như đã đóng cửa. Chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mặt hàng đúc đồng mới mở xưởng sản xuất. Người cố bám trụ với nghề thì phải thu hẹp xưởng sản xuất, chỉ hoạt động cầm chừng khi có đơn đặt hàng.


Theo những người dân trong làng thì nguyên nhân dẫn đến việc làng nghề Phước Kiều mai một là do sản phẩm từ đúc đồng truyền thống không còn được ưa chuộng nữa. Số lao động theo nghề giảm dần. Nhiều người thừa nhận một nguyên nhân nữa chính là do nội bộ trong làng không đoàn kết, làm ăn cá nhân.


Nhà truyền thống của làng Phước Kiều nằm ngay quốc lộ 1A, thuộc thôn Thanh Chiêm nhưng quanh năm cửa đóng then cài, không có ai làm chủ; tình trạng mạnh ai nấy kinh doanh, cạnh tranh nhau, rồi tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, treo thương hiệu Phước Kiều nhưng thực chất là bán nguồn hàng ở Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang hay TP.HCM khiến khách hàng quay lưng với làng nghề.


Tình trạng ở làng dệt Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cũng đìu hiu không kém khi hàng loạt xưởng dệt đóng cửa, khung dệt lạnh lẽo. Nhiều cơ sở dệt đầu tư hàng tỉ đồng giờ đắp chiếu, phá sản. Được biết, vào năm 1980, cả làng dệt có hơn 7.000 máy dệt bằng gỗ nhưng hiện nay chỉ còn lại khoảng 500 khung.


Nhiều gia đình ở Mã Châu đã lâm vào cảnh nợ nần khi vay tiền để đầu tư xưởng sản xuất và lâm vào tình trạng vỡ nợ, đóng cửa cơ sở. Mặt khác, sản phẩm từ làng dệt không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc vốn có mẫu mã đẹp, giá thành lại rẻ hơn.


Trước những khó khăn của các làng nghề, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho làng nghề, trong đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm từ việc kết hợp với du lịch là một giải pháp mang tính khả thi. Thực tế tại Quảng Nam hiện nay, những địa phương mà ngành du lịch phát triển tốt như Hội An thì các làng nghề truyền thống đều nhanh nhạy tìm hướng ra với việc kết hợp với du lịch.

 

  ... thì làng đúc đồng Phước Kiều đìu hiu, vắng khách


Chẳng hạn như làng mộc Kim Bồng (Hội An), từ năm 2005 đã gắn kết làng nghề vào du lịch với mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, làng nghề này đã đón cả triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hay như làng rau Trà Quế, từ năm 2003, chính quyền TP. Hội An bắt đầu cho khai thác tour du lịch tham quan và làm nông dân tại Trà Quế. Hơn 10 năm nay lượng du khách đến tham quan làng rau Trà Quế ngày càng tăng và làng nghề đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Quảng Nam.


Nghề làm đèn lồng tại Hội An hiện cũng ăn nên làm ra khi nhanh nhạy sáng tạo sản xuất những mẫu mã phù hợp làm quà lưu niệm. Đồng thời mở các tour hướng dẫn khách tham quan và tự tay làm lồng đèn. TP Hội An cũng tổ chức cuộc thi thiết kế và trưng bày đèn lồng định kỳ vào dịp Tết cổ truyền hằng năm nhằm tôn vinh, quảng bá nghề truyền thống này.


Mới đây, TP. Hội An cũng đã triển khai Dự án khu trung tâm làng nghề tre dừa Cẩm Thanh với tổng kinh phí 4 tỉ đồng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tranh tre, dừa nước, từng bước tạo hướng đi bền vững cho phát triển ngành du lịch, dịch vụ địa phương.


Tại Quảng Nam hiện cũng có một số dự án cộng đồng về văn hóa và du lịch có sự tham gia của người dân là hướng sinh kế bền vững được nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ. Tại vùng miền núi cũng đã triển khai và phục hồi dần một số làng nghề dựa vào du lịch cộng đồng như làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre của đồng bào miền núi.


Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng được tỉnh Quảng Nam đưa ra để hỗ trợ làng nghề trong thời gian tới như: Nghiên cứu quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, di dời các cơ sở trong làng nghề có quy mô lớn vào cụm công nghiệp.


Tạo cơ chế thông thoáng cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề được ưu đãi từ chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn (thuê đất, miễn tiền thuê đất,...). Xây dựng hương ước được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.