Khu bảo tồn liên quốc gia: Mô hình mới gìn giữ đa dạng sinh học

Cập nhật: 03/06/2016
Ngày Môi trường Thế giới 2016 với Chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc cộng đồng các nước cùng chung tay bảo vệ những giá trị phong phú của đa dạng sinh học. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế thành lập các Khu bảo tồn xuyên biên giới đã và đang được xem là mô hình phát huy được hiệu quả, gắn kết trách nhiệm cộng đồng quốc tế.

Việt Nam là quốc gia với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, đây là cơ sở để thiết lập các Khu bảo tồn liên quốc gia. Ảnh: Internet

 

Lợi ích từ bảo tồn xuyên biên giới

 

Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUNC), Khu bảo tồn liên quốc gia (TBPA)  là vùng trên đất liền hay trên biển có hai hoặc nhiều đường biên giới giữa các quốc gia, các đơn vị lãnh thổ như tỉnh, vùng, vùng tự trị hoặc các vùng nằm ngoài giới hạn chủ quyền và phạm vi quốc gia, có vai trò giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các biện pháp khác”.

 

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, các hệ sinh thái và động vật hoang dã hoàn toàn không có ranh giới chính trị, đặc biệt trên biển và đại dương. Do vậy, quản lý và bảo vệ thiên nhiên phải được coi là nhiệm vụ quốc tế, của khu vực và của các quốc gia láng giềng, đặc biệt, tại các vùng tiếp giáp biên giới. Chính vì vậy, thành lập khu bảo tồn trên đất liền và trên biển liên quốc gia nhằm cải thiện trong quan hệ và công tác bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Nhận thức được điều này, thời gian qua, hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đã phát triển mạnh và luôn được coi là vấn đề quan trọng trong các đàm phán ngoại giao quốc tế, đa phương và song phương. Rất nhiều Công ước quốc tế quy mô toàn cầu, khu vực đã được ký kết như Công ước Di sản, Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học, Chương trình Ủy ban sinh quyển MAB của UNESCO… là minh chứng rõ rệt cho lợi ích to lớn của việc cộng đồng thế giới chung tay bảo vệ những giá trị đặc hữu của thiên nhiên.

 

TBPA được quản lý hợp tác giữa hai hoặc nhiều quốc gia hoặc các đơn vị quốc gia. Vì vậy, hợp tác và phối hợp quản lý của TBPA giúp nâng cao hiệu quả cao hơn về tài chính và nguồn nhân lực, cũng như giải quyết vấn đề xảy ra một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, việc thành lập các TBPA có tầm quan trọng đa dạng sinh học quan trọng như các khu vực bảo vệ rộng lớn, có hiệu quả cho phép di cư của các loài động vật, bảo trì các kết nối phong cảnh, động vật, thực vật, và quá trình sinh thái, bao gồm cả con người, có thể di chuyển tự do từ một môi trường sang môi trường sống khác. TBPA cũng rất quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách liên kết cảnh quan và cho phép quá trình sinh thái sẽ diễn ra trong các hệ sinh thái bị phân mảnh. TBPA cho phép kiểm soát tốt hơn các loài sinh vật gây hại hoặc các loài ngoại lai xâm hại, nạn săn trộm và buôn bán trái phép qua biên giới, tái xuất của các loài động vật.

 

Trên thực tế, các khu TBPA có lịch sử phát triển đã gần 80 năm. Năm 1932 có khu PP Mỹ - Canada đầu tiên Waterton-Glacier. Đến năm 2007, danh mục toàn cầu TBPA đề xuất 227 TBPA với 3.043 khu vực được bảo vệ.

 

Tiềm năng lớn cho Việt Nam

 

Việt Nam là quốc gia với diện tích biển rộng và đường biên giới trên biển dài hơn 3.000 km, đây chính là cơ sở để Việt Nam thiết lập các khu bảo tồn liên quốc gia. Đặc biệt với vùng biển rộng, Việt Nam có cơ hội hợp tác về BTTN trên biển với nhiều quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Philippin, Malaixia, Cam pu chia, Inđonêxia...

 

Theo Ủy ban Thế giới về các khu bảo tồn, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc thành lập các TBPA xung quanh dãy Trường Sơn 3 với Trung Quốc, 2 với Lào, 1 với 2 nước Lào và Campuchia, 1 với 2 nước Trung Quốc và Lào. Theo TS. Dư Văn Toán đến từ Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, để nhanh chóng tiến tới thành lập các TBPA, Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia láng giềng và các tổ chức BTTN quốc tế để sớm có cơ chế chính sách đưa vào hoạt động 7 khu trên đất liền và xem xét đến việc thiết lập các khu di sản, các khu sinh quyển xuyên biên giới với Lào, Campu chia, Trung Quốc dựa trên 7 khu TBPA trên. Đây sẽ là hợp tác xuyên biên giới quan trọng, để làm tiền đề cho các hợp tác BTTN trên biển. Hiện nay vùng biển Việt Nam có 1 di sản thế giới, 2 khu RAMSAR, 6 khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO, 16 khu bảo tồn biển quốc gia. Đây là cơ sở rất lớn cho việc thiết lập các khu bảo tồn xuyên biên giới rộng lớn trên biển với các quốc gia láng giềng trên biển.

 

Cũng theo TS. Dư Văn Toán, Việt Nam cùng 3 quốc gia láng giềng có biên giới chung đất liền như Trung Quốc, Lào, Campuchia cần có các nghiên cứu cơ sở khoa học và quy hoạch các khu TBPA trên đất liền, bổ sung lồng ghép vào các Chương trình kế hoạch quốc gia, đa phương, quốc tế về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học xuyên biên giới.

 

Bên cạnh đó, để biến tiềm năng thành cơ hội góp phần hữu hiệu cho việc giữ gìn đa dạng sinh học, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xem xét thiết lập kênh hợp tác quốc tế và ngoại giao đa dạng sinh học xuyên biên giới với các quốc gia láng giềng trên biển và đất liền. Lợi ích của các khu TBMPA là bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hợp tác quốc tế vì hòa bình - hữu nghị, đặc biệt đối với các vùng biển giáp ranh, cận biên đang còn trong tình trạng tranh chấp. Trong khi đó, công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học sinh thái biển của Việt Nam tại các vùng biển cận biên còn chưa có tính liên thông quốc tế. Môi trường biển thì lại không có biên giới như trên đất liền, mà liên kết chặt chẽ với các vùng biển quốc gia lân cận. Việc hợp tác quốc tế và lựa chọn mô hình là rất quan trọng cho các vùng cận biên nhằm tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế về biển, về môi trường và đa dạng sinh học.

Thụy Anh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn