Cưỡi voi Buôn Đôn hút khách du xuân

Cập nhật: 06/02/2017
Hàng nghìn du khách đổ về Buôn Đôn mỗi ngày để trải nghiệm cảm giác lắc lư cưỡi voi Tây Nguyên ngoạn cảnh.
Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thu hút lượng lớn khách đến tham quan, du xuân. Hàng nghìn du khách đổ về Buôn Đôn mỗi ngày để trải nghiệm cảm giác lắc lư cưỡi voi Tây Nguyên ngoạn cảnh
 
Nguồn tin từ Trung tâm du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết : Trong 5 ngày từ mùng 1 đến mùng 5 Tết đã đón và phục vụ gần 25.000 lượt khách, đông nhất là ngày mùng 3 Tết với trên 7.000 lượt khách, tăng gần 2.000 lượt khách so với dịp tết nguyên đán 2016.
 
Ảnh minh họa - Nguồn: luhanhchaua.com.vn
 
Ông Nguyễn Đức - Ban quản lý khu du lịch Buôn Đôn, tỉnh Đắklắk cho biết: Một trong những điểm nhấn đối với khách tham quan, du lịch trong dịp tết tại khu du lịch Buôn Đôn năm nay ngoài việc đi cầu treo, tham quan Nhà sàn gỗ, khu văn hóa nhà Mồ, cưỡi voi, đi thuyền độc mộc, tuor dã ngoại sinh thái, Ban quản lý còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: các trò chơi dân gian, biểu diễn cồng chiêng, ca múa nhạc, xiếc, ảo thuật miễn phí, góp phần tạo thêm không khí vui tươi, náo nhiệt cho khách đến du xuân.
 
Thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cách Tp. Buôn Ma Thuột 42km về phía Tây Bắc. Buôn Đôn từ lâu đã nổi tiếng không chỉ với cảnh quan của núi rừng, các phong tục mang đậm dấu ấn của vùng Tây Nguyên mà còn bởi truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
 
Đối với đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, voi là con vật linh thiêng, biểu trưng cho sức mạnh, sự sung túc của gia đình, bản làng. Con đường trải nhựa sẽ đưa bạn qua những ngôi làng của người Ê Đê, những đồi chè, vườn cà phê để đến với bản Đôn. Công việc của loài voi nhà trước kia là giúp người vận chuyển, kéo gỗ xây nhà, làm thủy lợi… tuy nhiên hiện nay voi Tây Nguyên chủ yếu được dùng để chở khách du ngoạn trên sông, vượt suối, băng rừng...
 
Giữa không gian núi rừng xanh ngắt, những chú voi ngạo nghễ không chỉ đưa bạn đi du ngoạn dọc buôn làng, mà còn đặt bước chân vững vàng xuống dòng nước cuộn xoáy, để du khách chiêm ngưỡng con sông Sêrêpôk huyền thoại.
 
Thủy Bích (t/h)
Nguồn: toquoc.vn