Sức bật du lịch biển, đảo Tây Nam

Cập nhật: 07/02/2017
Vài năm trở lại đây, du lịch biển, đảo Tây Nam là điểm đến hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế. Không gian du lịch mới mẻ, cảnh vật hoang sơ, ẩm thực phong phú, con người thân thiện… đã góp phần tạo nên sức bật để du lịch biển, đảo Tây Nam của đất nước phát triển nhanh, bền vững, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới…
Điểm sáng du lịch Phú Quốc
 
Tỉnh Kiên Giang có 4 vùng du lịch trọng điểm: Vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, U Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận); vùng Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải; vùng Hà Tiên - Kiên Lương và vùng Phú Quốc. Trong đó Phú Quốc được xác định là “điểm nhấn”, có sức lan tỏa, ảnh hưởng đến các vùng du lịch còn lại, tạo đột phá cho ngành du lịch của tỉnh phát triển.
 
Bãi Ngự, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang
 
Là huyện đảo đang được Trung ương và địa phương tập trung đầu tư trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Phú Quốc có tổng diện tích hơn 589km2, địa hình độc đáo với các dãy núi nối liền, chạy dài từ bắc xuống nam đảo. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển đẹp, tầm cỡ quốc tế, như: Bãi Khem, bãi Sao, bãi Dài, bãi Cửa Cạn, bãi Bà Kèo-Cửa Lấp và quần đảo An Thới với nhiều bãi tắm, rạn san hô độc đáo.
 
Năm 2016 vừa qua, Phú Quốc trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam khi tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2016-Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Lần đầu tiên lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vượt con số 10 triệu. Riêng huyện đảo Phú Quốc đã đón hơn 5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
 
Ông Phạm Vũ Hồng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2016 đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Thông qua sự kiện, địa phương đã tập trung đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng, cơ sở kỹ thuật, bảo đảm các điều kiện cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình nghỉ dưỡng biển đảo Phú Quốc, các tuyến đường ra đảo, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, công trình cáp treo An Thới-Hòn Thơm…
 
Ông Trần Linh, Phó phòng Quản lý du lịch (Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang) cho biết: Lượng khách đến tham quan, vui chơi giải trí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tăng đáng kể. Công suất phòng các khách sạn, nhà nghỉ, khu resort tại những địa bàn du lịch trọng điểm đạt tỷ lệ cao. Các phương tiện vận chuyển đường không, đường thủy và đường bộ cũng luôn hoạt động hết công suất. Riêng tại huyện đảo Phú Quốc, các khách sạn, khu resort, nhất là các khách sạn tiêu chuẩn 3 đến 5 sao đều đã được đặt trước Tết.
 
“Trước tết Nguyên đán Đinh Dậu-2017, chính quyền địa phương đã yêu cầu toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ phải thực hiện niêm yết giá phòng và giá dịch vụ theo quy định. Do đó tình trạng đẩy giá, “chặt chém” du khách vào lúc cao điểm hầu như không xảy ra. Dịp Tết, Phú Quốc đón hơn 72.972 lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 7.359 lượt, tăng 47,4% so với cùng kỳ; doanh thu hơn 63,3 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2016”, ông Trần Linh nói.
 
Để du lịch phát triển nhanh và bền vững
 
Tại ĐBSCL, tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển du lịch biển, đảo. Trước hết, bởi đây là địa phương có địa hình đặc biệt với 145 hòn đảo lớn, nhỏ nằm ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
 
Ông Tăng Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang phấn khởi nói: Nhờ phát triển du lịch, xã đảo gần như không còn hộ nghèo. Từ mồng 3 Tết Nguyên đán đến nay có hơn 6.000 khách du lịch đến địa phương. Hiện tại xã đã có công trình cấp nước, xử lý rác, cơ sở lưu trú ngày càng hoàn thiện, những năm tiếp theo ngành du lịch sẽ là động lực để địa phương phát triển.
 
Còn ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc-xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam mong muốn: Xét về cảnh quan, tài nguyên, chúng tôi có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch biển, đảo, chỉ mong địa phương và Trung ương chấp thuận, quan tâm đầu tư, bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững quốc phòng-an ninh trên đảo.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay tại ĐBSCL, tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển du lịch biển, đảo và bước đầu đạt hiệu quả tích cực; tạo tiền đề cho du lịch phát triển nhanh, bền vững, hướng đến năm 2020, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
 
Chiều 5/2, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du Lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết: Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho du lịch Kiên Giang phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án lớn đã quy hoạch. Tỉnh cũng tích cực kêu gọi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong thực hiện dự án cũng như quá trình hoạt động một cách kịp thời, hiệu quả.
 
“Với vị trí địa lý khá thuận lợi và giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch, cùng với những chính sách phát triển phù hợp và đồng bộ, sẽ tạo nên một động lực mới để ngành du lịch tỉnh Kiên Giang có sự bứt phá vươn lên như kỳ vọng và mục tiêu đã đề ra”, ông Trần Chí Dũng nói.
Nguồn: qdnd.vn