Người Cơ Tu gìn giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 13/07/2022
Nghề đan lát mây tre là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Hiện mỗi ngày, các nghệ nhân Cơ Tu đều dành thời gian đan lát với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống này.

Người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam sống tập trung tại 3 huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Họ giỏi nghề điêu khắc gỗ, trang trí nhà Gươl, dệt thổ cẩm, đan lát…

Trong đó, nghề đan lát mây tre của người Cơ Tu có từ lâu đời, gắn liền quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào, với các sản phẩm như nia, giỏ, mâm ăn cơm, đơm bắt cá, gùi lúa, gùi gạo, gùi muối, hay gùi đựng trang sức của phụ nữ…

Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều gia đình người Cơ Tu dần thích dùng các vật dụng làm bằng nhựa, inox tiện lợi, nên số người theo nghề đan lát cứ thế vơi dần.

Nghề đan lát mây tre là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác

Già BLinh Blóo (thôn Bhơ Hôông, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) không biết nghề đan lát mây tre của gia đình có từ khi nào. Chỉ biết rằng người dân nơi đây ai cũng quý già Blinh Blóo - người có đôi bày tay khéo léo, yêu nghề và luôn muốn giữ nghề truyền thống của cha ông.  

Già BLinh Bloó cho biết, các thế hệ đồng bào Cơ Tu trong gia đình truyền nghề cho nhau hết thế hệ này đến thế hệ khác. Già học được từ ba mình cách đan giỏ, đan gùi, đan mâm và các dụng cụ trỉa lúa, thu lúa... để phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình và chia sẻ cho bà con thôn xóm.

"Để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống, phải qua nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, bắt đầu từ việc vào rừng chọn nguyên liệu, sau đó chẻ sợi, phơi khô rồi mới đan sản phẩm", già BLinh Bloó nói.

Đến nay ngoài 70 tuổi, già BLinh Bloó càng muốn truyền nghề cho lớp trẻ. Cứ dịp cuối tuần, già gọi bọn trẻ trong thôn đến nhà để dạy những kỹ thuật đan lát cơ bản.

Cũng như già BLinh Bloó, cứ ngơi việc nương rẫy, già ALăng Phương (thôn Ra Ê, xã A Ting, huyện Đông Giang) lại miệt mài tạo ra các sản phẩm đan lát.

Già ALăng Phương lý giải, kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu không khó, nhưng đòi hỏi tính kiên trì. Để tạo ra được một sản phẩm đan lát đẹp và tinh xảo thì phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đan, từ khâu tìm kiếm vật liệu đến sơ chế, kỹ thuật đan.

Nguyên liệu làm các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống là mây, tre, lồ ô, dứa, sợi guột... được lấy trong rừng và phải qua một số công đoạn sơ chế công phu.

Già ALăng Phương (bên trái, thôn Ra Ê, xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cần mẫn đan lát.

Để tìm được nguyên vật liệu ưng ý, già ALăng Phương phải vào rừng sâu từ sáng sớm tới lúc trưa tròn bóng để lấy mây, nứa, về trau chuốt, chẻ, phơi rồi đan sản phẩm.

Mỗi ngày làm một chút, lúc thì ngồi chẻ tre, vót nứa, ngâm nước; lúc thì ngồi đan, tạo sản phẩm... Có sản phẩm làm 5-7 ngày, nhưng có sản phẩm phải trau chuốt mất 15 ngày mới hoàn thành.

Theo già ALăng Phương, lớp trẻ Cơ Tu ngày càng năng động, đi học rồi làm những việc có thu nhập cao hơn, trong khi nghề đan lát đòi hỏi sự tỉ mỉ, giá trị kinh tế không cao, đầu ra sản phẩm tiêu thụ ít nên mấy ai chịu theo nghề.

Gắn giữ nghề với phát triển du lịch cộng đồng

Hiện nay, trung bình mỗi chiếc gùi bán ra từ 200.000 đến 250.000 đồng tùy loại. Các sản phẩm đồ dùng khác như rổ, rá, nia, giỏ, mâm cơm… có giá dao động từ 50.000 đến 170.000 đồng, tùy kích cỡ; loại lớn có giá 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng.

Già Blinh Blóo nói rằng, nếu siêng đan lát thì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm và có thu nhập. "Làm ra sản phẩm đan lát vừa sử dụng, vừa bán ra cho khách hàng, vừa tăng thu nhập cho gia đình", già Blinh Blóo nói.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục nghề đan lát ở một số xã thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang.

Tại huyện Đông Giang - nơi có hơn 75% dân số là đồng bào Cơ Tu, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nghệ nhân ở địa phương này duy trì nghề đan lát hiện không còn nhiều, chủ yếu ở các xã A Ting, xã Sông Kôn, xã A Rooi. Huyện Đông Giang xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa của đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng.

Theo đó, huyện đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án như dự án Trường Sơn Xanh, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft)… để hỗ trợ, khôi phục nghề truyền thống.

Chị Cơ Lâu Thị Bình tham gia lớp học nghề đan lát và muốn tiếp nối nghề truyền thống của người Cơ Tu.

Ông Tùng cho hay, sắp tới, huyện sẽ tìm thêm giải pháp để các nghề truyền thống tại địa phương trở nên phổ thông hơn như đưa vào dạy ở các trường học hay xây dựng chỉ tiêu thi đua trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Trong năm 2022, với việc khởi động lại hoạt động du lịch, huyện Đông Giang sẽ triển khai tổ hợp tác đan lát để giữ nghề, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường cho sản phẩm…, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Đặc biệt, huyện xác định việc gìn giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi quan trọng trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghề đan lát mây tre. 

Mong muốn đưa nghề đan lát phát triển

Mới đây, già ALăng Phương (thôn Ra Ê, xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) và một số nghệ nhân trong làng được UBND huyện mời truyền dạy tại lớp học nghề đan lát cho gần 50 học viên trẻ Cơ Tu của xã A Ting.

Chị Cơ Lâu Thị Bình (thôn Ra Ê, xã A Ting) cho biết, sau một tuần tham gia lớp học, chị rất phấn khởi vì đã nắm được kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát.

"Trước đây, nghề đan lát được quan niệm chủ yếu là nghề của đàn ông, nên khi tham gia lớp học, ban đầu tôi rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự chỉ bảo tỉ mỉ của các già làng, tôi đã biết đan lát. Nay cứ khoảng 5-6 ngày tôi có thể hoàn thành được một sản phẩm. Tôi tự hào về nghề truyền thống của dân tộc mình và mong muốn theo nghề, đưa nghề đan lát phát triển, mang lại thu nhập cho bản thân cũng như những người trẻ Cơ Tu", chị Cơ Lâu Thị Bình chia sẻ.

Hương An

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 13/7/2022