Ô nhiễm gây cản trở lớn đến phát triển du lịch làng nghề

Cập nhật: 14/08/2009
Phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống đang là một hướng phát triển kinh tế được nhiều địa phương lựa chọn. Song vấn đề ô nhiễm môi trường tại chính các làng nghề đã gây cản trở lớn tới các hoạt động phát triển du lịch làng nghề, làm giảm lượng khách du lịch, dẫn đến giảm nguồn thu.

Bên cạnh đó, chất thải độc hại phát sinh từ hoạt động sản xuất của làng nghề nhiễm vào môi trường không khí, nước, đất, ảnh hưởng tới thực vật sống trong môi trường đó, làm giảm năng suất cây lương thực, ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng hoa màu của ngành nông nghiệp cũng như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản.

Du lịch làng nghề truyền thống Hà Tây (cũ) luôn nhiệt tình mở cửa nhưng không thu hút được nhiều du khách, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường được xem là "chiếc gậy ngáng chân" lớn nhất. Môi trường đất, nước, không khí ở hầu hết các làng nghề đều ô nhiễm ở mức báo động. Ngay cả những làng nghề mới, có trưng biển "du lịch làng nghề" như làng may Thượng Hiệp (Phúc Thọ) thì chất thải từ sản xuất cũng làm cho nguồn nước và không khí bị ô nhiễm, vào ngày mưa, bùn đất ngập đến nửa bánh xe, ngày nắng ráo thì bụi mù mịt. Cùng với vấn đề ô nhiễm, hạ tầng cơ sở như đường sá chật hẹp, kém chất lượng khiến cảnh quan du lịch làng nghề trở nên bí bách, thiếu thông thoáng. Tại xã Dương Nội (quận Hà Đông) số lao động làm nghề dệt, nhuộm khoảng 2.000 người, mỗi năm sản xuất trung bình gần 11.000 m vải. Nước thải từ các gia đình và doanh nghiệp dệt, tẩy nhuộm chưa được xử lý đổ thẳng xuống kênh dẫn chảy ra sông Nhuệ khiến nước bị ô nhiễm nặng. Vào mùa khô lòng mương cạn, nước bốc lên mùi hắc khó chịu. Những hôm trời mưa, nước thải dệt nhuộm tràn xuống ruộng canh tác khiến lúa bị "lốp" nhiều lá, ít hạt.

Tại làng đá mỹ nghệ Non Nước (TP Đà Nẵng), khối lượng đá phế phẩm không tận dụng được rất lớn do không có khu vực đổ thải xung quanh khu vực sản xuất của làng nghề. Điều này gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.

Để giải quyết tình hình ô nhiễm nghiêm trọng tại các làng nghề cần lập đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề. Xây dựng hệ thống xử lý môi trường cho các làng nghề đang ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kiên quyết đình chỉ những cơ sở cố tình không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; sử dụng quỹ môi trường để hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh; cải tiến tổ chức sản xuất và áp dụng công nghệ vào việc xử lý rác thải giảm thiểu ô nhiễm.

Để phát triển làng nghề bền vững, bảo vệ môi trường làng nghề, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, không vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ việc ô nhiễm môi trường. Người dân làng nghề cần tích cực, chủ động và có biện pháp tham gia bảo vệ môi trường lao động, môi trường sống. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

 

Nguồn: CPV