Quảng Bình: Phát triển các khu, cụm du lịch trọng điểm

Cập nhật: 27/06/2023
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này định hướng phát triển các khu, điểm du lịch theo 4 cụm trọng điểm.

Quảng Bình có bờ biển dài trên 116km với nhiều bãi tắm đẹp như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy…; rừng có tỷ lệ che phủ trên 68% (đứng thứ hai cả nước), có nhiều di tích lịch sử, nhiều di sản văn hoá, tâm linh nổi tiếng như: đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại, hang Tám Thanh niên xung phong, bến phà Long Đại, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh... Địa phương này còn được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hàng nghìn hang động lớn nhỏ, nổi bật nhất là Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều bãi tắm đẹp như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy và nhiều sân golf đẳng cấp quốc tế, tạo nên chuỗi hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc hấp dẫn ở vùng ven biển. 

Ngoài hang động, Quảng Bình còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển với nhiều bãi tắm mịn, đẹp nổi tiếng, như: Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh…, khu sân golf 36 lỗ và các sân golf ven biển đẳng cấp quốc tế đang được đầu tư, khai thác. Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Phong Nha - Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ về địa chất địa mạo và đa dạng sinh học, có giá trị toàn cầu. Du lịch Quảng Bình còn hấp dẫn du khách bởi chuỗi các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc hấp dẫn ở vùng ven biển với hệ thống các sân gôn đẳng cấp quốc tế, văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và suối nước nóng Bang đang được đầu tư thành khu du lịch sinh thái, phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản).

Tỉnh Quảng Bình có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ thuận lợi, có sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy. Cụ thể, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo là cửa khẩu lớn giữa Việt Nam và Lào; Cảng biển nước sâu Hòn La (khu kinh tế Hòn La); Sân bay Đồng Hới được đánh giá là một trong những sân bay tăng trưởng nhanh nhất cả nước với mức tăng trưởng 20 - 25%/năm; tuyến đường sắt Bắc - Nam; Quốc lộ 1A Bắc-Nam; Quốc lộ 12A nối phía Đông và phía Tây; đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và Tây), hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch nói riêng và thu hút đầu tư phát triển kinh tế nói chung.

Nhằm phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở trogn thúc đẩy ngành du lịch, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Bình định hướng phát triển các khu, điểm du lịch theo 4 cụm trọng điểm.

Tỉnh Quảng Bình ưu tiên phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. 

Cụ thể, Cụm A với Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng với mục tiêu phát triển khu du lịch này trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao. Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới, nơi sở hữu nhiều hang động kỳ bí, thu hút nhiều nhà thám hiểm, nhà khoa học, du khách tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm. Cụ thể như động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy Cung…

Cụm B được xác định là thành phố Đồng Hới và các khu vực du lịch biển phụ cận. Với cụm này, Quảng Bình ưu tiên hỗ trợ phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc biển, trong đó có các điểm du lịch có giá trị cao như sân golf, biệt thự. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch ven sông Nhật Lệ, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí tại thành phố Đồng Hới, các khu nghỉ dưỡng theo mô hình cộng đồng…

Định hướng này đã và đang được Quảng Bình triển khai thu hút đầu tư mạnh, đặc biệt là là đang đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển kéo dài 86 km từ Nam Roòn đến Vĩnh Linh. Đồng thời đầu tư những chiếc cầu bắt qua sông Nhật Lệ, mục tiêu là thu hút đầu tư các dự án du lịch nghĩ dưỡng cao cấp và đô thị ven biển trong thời gian tới.

Khu vực phía Nam tỉnh Quảng Bình định hướng sẽ là Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng được xác định là Cụm C trong phương án phát triển các khu du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Khu vực này sở hữu các hạ tầng tâm linh như chùa Non - núi Thần Đinh, chùa Hoàng Phúc, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang… Đây là những điều kiện cơ bản để định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, lịch sử.

Trong khi đó, Cụm D được xác định ở các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Bình, nơi có Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sơn quan, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Làng văn hóa Cảnh Dương, chợ phiên Ba Đồn, thác Bụt, giếng Nguồn… Những giá trị văn hóa, lịch sử này là nền tảng để Quảng Bình định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, lịch sử. 

Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển du lịch tại Cụm C. Ảnh: TL.

Theo Sở Du lịch Quảng Bình, với lợi thế được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan, danh thắng nổi tiếng về hang động, sông biển… Quảng Bình xác định du lịch sẽ làm một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc miền Trung trong thời gian tới.

Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Du lịch đã tích cực triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội, sự kiện văn hoá - du lịch nổi bật, đồng thời triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo chất lượng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Du lịch Quảng Bình tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của khách du lịch và các tạp chí uy tín trong nước, quốc tế: Phong Nha và Đồng Hới nằm trong Top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam 2023 (lần lượt ở vị trí thứ nhất và thứ tám) do du khách trên toàn thế giới bình chọn (Giải thưởng thường niên Traveller Review Award của Booking.com). Bản Rum Ho, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, Hang Va của Quảng Bình vào “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022” theo Sài Gòn Tiếp thị - Một ấn phẩm của nhóm Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Số liệu thống kê kết quả hoạt động du lịch Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2023, tổng số khách đến Quảng Bình trong tháng 6/2023 dự ước đạt 512.600 lượt khách, tăng 11,4% so với tháng 5/2023, gấp 2,94 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa ước đạt 496.900 lượt khách, tăng 11,3% so với tháng 5/2023 và gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế ước đạt 15.700 lượt khách, tăng 15,63% so với tháng 5/2023 và gấp 5,81 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về địa lý, kinh tế, nhất là du lịch, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình ưu tiên phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình, cùng với ưu tiên phát triển khu kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Để cụ thể hóa mục tiêu này, ngành du lịch Quảng Bình đã đưa ra nhiều định hướng nhằm kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch để khai thác tiềm năng, lợi thế độc đáo, khác biệt, trong đó có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đặc biệt là thế mạnh về du lịch thiên nhiên và trải nghiệm, nhất là vào mùa thấp điểm (mùa mưa lũ)...

Hà Trang

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 26/06/2023