Quảng Nam: Phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 18/09/2012
Chủ trương phát triển du lịch (DL) bền vững của Hội An là bước đi đúng, nhưng để chuyên nghiệp hơn cần thêm nhiều sự thay đổi và cải tiến…

Phát triển bền vững như kim chỉ nam để tạo ra lợi thế cạnh tranh vùng là xu hướng của thế giới và Việt Nam. Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng, chủ trương phát triển DL bền vững là hướng đi đúng của Hội An. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều “khoảng trống” để trở nên chuyên nghiệp hơn. Nhiều khách hàng của các công ty lữ hành nước ngoài “than phiền” rằng vẫn chưa được hỗ trợ nhiều mặt khi đến Hội An. Tại sao không thành lập một đội hỗ trợ DL như ở TP.Hồ Chí Minh để hỗ trợ, xử lý tất cả những vẫn đề nảy sinh cho du khách khi đến thành phố?

Cù Lao Chàm vốn như một làng chài hiu quạnh, buồn tẻ, cách biệt dòng chảy giao thông với đất liền nhiều năm đã bất ngờ tăng khách đột biến, nhất là mùa hè, sau khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhưng đằng sau tín hiệu vui ấy lại kèm theo sự quá tải. Nhiều đoàn khách chen chúc nhau đến làng đảo không có nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Các doanh nghiệp DL cho rằng, để giải tỏa áp lực khi đảo chưa có hệ thống dịch vụ đáp ứng được yêu cầu du khách, cần phải quản lý nguồn khách. Nếu khả năng cung ứng dịch vụ của Cù Lao Chàm hiện mỗi ngày khoảng 3.000 khách thì chỉ nên bán ra 3.000 vé mà thôi, và phải từ chối các dịch vụ khác. Sự “từ chối” này có thể mất doanh thu trong một thời gian ngắn, nhưng bù lại sẽ có một thương hiệu tốt. Cái mất đó sẽ giúp tương lai phát triển bền vững hơn và là cơ sở để làm DL một cách chuyên nghiệp.

Theo ông Lê Huy Khang, nguyên Giám đốc khách sạn Hội An, kinh nghiệm từ một số nước như Malaysia hay Singapore cho thấy, để đạt được các mục tiêu của phát triển DL bền vững thì phải có một cơ quan chủ quản. Hội An phải có một ban, bộ phận chuyên trách, phụ trách về phát triển DL bền vững để đảm bảo tính đồng bộ và chuyên nghiệp. Trong dịch vụ DL, cần phải tách ra nhiều nhóm chuyên sâu. Ví dụ nhóm lưu trú bao gồm các khách sạn, resort, nhà nghỉ, homestay; nhóm DL lữ hành; nhóm DL thủ công, mỹ nghệ; nhóm thời trang, may mặc... và những nhóm cung cấp dịch vụ khác. Mỗi nhóm sẽ có chuyên ngành, đặc trưng riêng và cần chọn ra mô hình chung, thực hiện tốt các định hướng để nhân rộng. Việc hình thành một quỹ phát triển DL bền vững để hỗ trợ đào tạo, quản lý và quảng bá xúc tiến là điều hết sức cần thiết và nhanh chóng thiết lập. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các định hướng thì quỹ này sẽ khen thưởng bằng các danh hiệu, chẳng hạn như “Doanh nghiệp tốt nhất trong phát triển du lịch bền vững”…Thực hiện tốt điều này sẽ tạo hiệu quả và kích thích các doanh nghiệp tham gia. Gần như các quốc gia DL phát triển đều có một kênh riêng để quảng bá và kêu gọi thành viên tham gia đóng góp hội phí. Hội An đã từng có tiếng tăm, là một trong 10 điểm đến hấp dẫn ở châu Á, một phần nhờ vào giới truyền thông nên cũng cần phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn qua các kênh và các cuộc xúc tiến khác nhau.

Suy cho cùng, phát triển DL bền vững mạnh hay yếu đều liên quan nhiều đến cơ chế, chính sách của chính quyền và sự đồng thuận của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Quy hoạch từng khu chuyên biệt, từ khu vành đai, sinh thái đến phát triển đô thị, không gian công cộng..., mỗi khu sẽ có cơ chế, cách thức phát triển riêng là điều cần thiết để Hội An trở thành điểm đến “DL đặc hữu” trong vai trò của một đô thị sinh thái văn hóa DL đầu tiên của Việt Nam./.

Nguồn: VISTA/Báo Quảng Ninh