Xây dựng thành phố Hà Nội xanh – văn hiến- hiện đại

Cập nhật: 12/11/2012
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, quan điểm của TP là xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Ngày 8/11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chủ trì phiên họp tập thể UBND TP, nghe và đóng góp ý kiến cho dự thảo Quy hoạch (QH) hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ giai đoạn (2011 - 2015) do Viện Quy hoạch Xây dựng (QHXD) Hà Nội, đơn vị  thực hiện.
Thành phố hiện có tổng số 67 công viên, vườn hoa, sân TDTT các loại với tổng diện tích 365,61 ha; có 111 hồ nội thành với tổng diện tích 1.146 ha và 77 hồ ngoại thành với tổng diện tích 4.861 ha, hiện đã tiến hành cải tạo 46 hồ, 21 hồ đã có dự án cải tạo. Nghiên cứu, khảo sát cho thấy, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ không đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trên cơ sở đó, QH hệ thống cây xanh, xác định 2 khu vực. Thứ nhất là khu vực nội đô lịch sử (quận nội thành) sẽ xây dựng 60 công viên, vườn hoa. Trong đó, 18 công viên, vườn hoa xây mới; cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa, phấn đấu tổng diện tích đất công viên, vườn hoa sẽ là 902 ha, trong đó có 435 ha mặt nước, đạt chỉ tiêu chung toàn khu vực khoảng 3,9m2/người. Trước tiên, tập trung nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có, trọng tâm ở 3 điểm gồm: Hồ Tây và phụ cận; hồ Yên Sở; Mỹ Đình.
Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại phiên họp.
Thứ hai, là khu vực đô thị lõi, hình thành 7 khu đặc thù gồm: Khu vực Quang Minh - Chi Đông (Mê Linh) là công viên sinh thái nông nghiệp (trồng hoa, cây cảnh) gắn với du lịch; khu vực Văn Khê, huyện Mê Linh (công viên TDTT); khu vực Vân Trì - Sơn Du, Mê Linh (công viên sinh thái, dã ngoại kết hợp du lịch); khu vực Cổ Loa - Việt Hùng, huyện Đông Anh (công viên vui chơi giải trí, giáo dục, sinh thái); khu vực Xuân Canh - Đông Hội (Hoài Đức) - công viên TDTT; khu vực Yên Thường - Ninh Hiệp và Trâu Quỳ - Đa Tốn, huyện Gia Lâm (công viên sinh thái, vườn ươm, nghiên cứu khoa học)… Tại chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, QH những dự án gồm: công viên sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, tổ hợp TDTT ở Mê Linh; Khu sinh thái sông Cà Lồ, khu sinh thái Đông Anh (270ha), làng văn hóa Asean (72ha), công viên văn hóa Kim Quy (50ha), trung tâm thể thao ASIAD (250 ha), công viên Wonderland (95ha -77ha) mặt nước và 3 điểm của khu vườn ươm...
Về quy hoạch mạng lưới hồ, phấn đấu đạt tỷ lệ diện tích hồ khoảng 5% diện tích đô thị. Đồng thời quản lý đất dọc sông để tăng cường cây xanh hai bên bờ, tăng cường các giải pháp tự nhiên để tránh sụt lở đất và làm sạch nước…
Việc thực hiện chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, từ nay đến năm 2020, phấn đấu Hà Nội được công nhận là Thành phố xanh - sạch. Để thực hiện, ngoài cải tạo, nâng cấp các công viên và hệ thống mặt nước hiện có, TP phát triển trồng khoảng 5.100 ha cây xanh đô thị. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng 29 công viên, với tổng diện tích 2.900 ha, kinh phí thực hiện khoảng 51.181 tỷ đồng (46% vốn ngân sách), bao gồm: 16 công viên trong khu vực nội đô, 6 công viên thuộc khu vực Nêm xanh sông Thiếp, 7 công viên  thuộc vành đai xanh sông Nhuệ.
Giai đoạn II, đến năm 2030, TP sẽ hoàn chỉnh hệ thống vành đai xanh, nêm xanh sông Nhuệ và sông Thiếp; tăng cường mạng lưới cây xanh tại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái gắn với cảnh quan mặt nước sông Đáy, sông Tích, rừng tự nhiên…

Một góc công viên Hòa Bình
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cơ bản nhất trí với QH và nhấn mạnh, quan điểm của TP là xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Trong đó, kết hợp giữa bảo tồn, cải tạo, nâng cấp và phát triển, đa dạng hóa quản lý cũng như đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa, hệ thống cây xanh và hồ nước. Theo Chủ tịch, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cây xanh, hồ nước lớn, nhưng phân bổ không đồng đều, khu vực đô thị lõi lịch sử tỷ lệ này lại rất thấp.
Thời gian qua TP luôn quan tâm, dành nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư, cải tạo và xây dựng mới nhiều công viên, cây xanh, như công viên Hòa Bình, Yên Sở, công viên hồ Thống Nhất và cải tạo nhiều hồ nội thành…
Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do nhiều nguyên nhân, như  thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu quỹ đất, chế tài quản lý chưa chặt chẽ, ý thức người dân chưa cao có nơi hồ nước bị lấn chiếm, nhiều cây cổ thụ chưa được bảo vệ…
Do vậy, QH cần xây dựng theo hướng mở, trong đó, tính đến xây dựng các công viên, vườn hoa tại nơi di dời các nhà máy, xí nghiệp; tăng cường công tác quản lý “Trước tiên, cần chấm dứt việc trông giữ xe tại gầm cầu vượt, đường trên cao để dành đất trồng cây xanh, thảm cỏ, bảo đảm cảnh quan, an toàn”, Chủ tịch nhấn mạnh và yêu cầu đơn vị soạn thảo cần đưa ra giải pháp đầu tư, lập danh sách ưu tiên của những công trình, dự án để từ đó xây dựng phân kỳ đầu tư  thực hiện,bảo đảm khả thi từ nay đến năm 2015 và gia đoạn tiếp.
 
Kế hoạch 2012 – 2015 phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, hồ nước TP Hà Nội, dự kiến tổng kinh phí ước  7.100 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách ước trên 210 tỷ đồng, còn lại huy động xã hội hóa. Trong đó, cải tạo, chỉnh trang các vườn hoa: 41,84 tỷ đồng; Xây dựng vườn hoa 9 huyện: 90 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng các công viên: 5.287,4 tỷ đồng. Cải tạo nâng cấp 31 hồ tại 7 quận nội thành và huyện Từ Liêm: 1.601 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 369,5  tỷ đồng và 260,99  tỷ đồng XHH…

Anh Quý

 

Nguồn: KTĐT