Di tích Ngọ Môn – Huế sẽ được đầu tư bảo tồn, tu bổ tổng thể

Cập nhật: 13/11/2012
(TITC) -Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây đã từng là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của Việt Nam thời phong kiến dưới triều nhà Nguyễn từ 1802 đến 1945.

Quần thể di tích Cố đô Huế là hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn với ba tòa thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Hệ thống thành quách này được kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố tự nhiên có sẵn đến mức mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế như núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh (cồn Hến)...

Ngọ Môn là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế quay về hướng nam. Ngọ Môn có quy mô khá đồ sộ và kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng .

Về mặt kiến trúc, Ngọ Môn được chia ra làm 2 phần chính: nền đài ở dưới và lầu Ngũ Phụng ở trên, được thiết kế ăn khớp nhau một cách chặt chẽ và hài hòa từ tổng thể đến chi tiết. Phần nền đài cao gần 5m, đáy dài 57,77m, cánh dài 27,06m có bình diện hình chữ U vuông góc. Nền đài dày và cao, được cấu trúc theo kiểu “thượng thu hạ thách” với độ dốc gần như thẳng đứng, tạo nên một thế đứng hơi choãi chân rất bền vững, bề thế, vóc dáng đồ sộ chung cho cả công trình, đồng thời giúp cho người lính canh có thể kiểm soát mặt ngoài thành một cách dễ dàng. Ở phần giữa của nền đài có ba cửa đi song song: Lối đi chính giữa Ngọ Môn, dành cho Vua; Tả Giáp môn (cửa bên trái) và Hữu Giáp môn (cửa bên phải) dành cho các quan văn, võ theo hầu trong đoàn Ngự đạo; Hai lối ngoài cùng hai bên được gọi là Tả dịch môn và Hữu dịch môn, dành cho lính tráng và voi ngựa theo hầu. Vật liệu chính để xây dựng nền đài là đá thanh mỏng và gạch vồ có độ nung cao. Trên nền đài, xung quanh là hệ thống tường hoa lan can được trang trí bằng nhiều kiểu gạch hoa đúc rỗng tráng men ngũ sắc.

Lầu Ngũ Phụng trên nền đài có hai tầng, tầng dưới lớn, tầng trên nhỏ, với 13 gian kết cấu thành một bộ khung cũng theo hình chữ U như nền đài. Kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẵn 100 cây cột, trong đó 48 cây cột dài suốt cả hai tầng. Phần trên tách ra thành 9 bộ mái riêng biệt, to nhỏ, cao thấp khác nhau, tạo nên sự nhấp nhô của các hình khối trong không gian như những hình chim phụng đang bay. Mái lầu lợp ngói tráng men vàng và xanh lá cây, gọi là ngói hoàng lưu ly và ngói thanh lưu ly. Ngói lợp theo kiểu âm dương. Quanh các phía tầng dưới đều để trống chỉ trừ tòa nhà chính giữa là có hệ thống cửa gương ở mặt trước, dựng đố bản ở hai bên mặt sau nơi vua thường ngồi dự lễ…

Tại Ngọ Môn, thường diễn ra các lễ lạc quan trọng của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (tuyên đọc tên tiến sĩ tân khoa)… Đây cũng là nơi chứng kiến lễ thoái vị và trao ấn kiếm của Bảo Đại (vị vua cuối cùng triều Nguyễn) cho nhà nước lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945).

Trải qua chiều dài của lịch sử, Ngọ Môn đã được tu sửa nhiều lần. Gần đây nhất là năm 1992-1993, Ngọ Môn đã được Quỹ ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO tài trợ 100.000 USD cho việc trùng tu. Tuy nhiên, cho đến nay, dưới tác động của thời tiết gió, bão và độ ẩm cao, công trình hiện đã bị hư hỏng ở nhiều điểm mà nhiều nhất là ở lầu Ngũ Phụng phía trên. Hệ thống khung gỗ bị rệu rã; các họa tiết trang trí theo kiểu sơn son thếp vàng trong nội thất như cột gỗ, tường gỗ bị phai nhạt; hệ nền đài làm bằng đá mà đặc biệt là 5 cửa vòm bằng đá tảng to dẫn từ cửa Ngọ Môn vào bị thấm nước.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định số 1950/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, được trích từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ.  

 Theo đó, đối với phần nền đài, dự án tu bổ và phục hồi lan can có ốp gạch men với chiều dài 73m; nền lát gạch Bát tràng (có men và không có men) khoảng 145m2, nền gạch hoa khoảng 52m2; bảo tồn, gia cố nền móng và vệ sinh thân Đài; hệ thống cửa và vòm cửa.     

Đối với lầu Ngũ Phụng, làm nhà bao che, hạ giải công trình theo phương án thiết kế cho mái ngói, kết cấu gỗ cũng như phục hồi, lắp dựng hệ khung, hệ dàn mái, ván vách, các loại cửa, lan can; phục hồi mái ngói ống hoàng lưu ly và thanh lưu ly với diện tích khoảng 570m2…

Thời gian thực hiện dự án đầu tư Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn bắt đầu từ năm 2013 và sẽ hoàn thành vào năm 2015. 

  Hương Lê

Nguồn: TITC