Bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 22/05/2013
Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học, Vịnh Hạ Long là nơi có sự đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới. Đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long thể hiện ở ba yếu tố: Thành phần loài, hệ sinh thái và chủng loại gen.

Về đa dạng thành phần loài, theo nghiên cứu, đánh giá chưa đầy đủ của các nhà khoa học của Viện Tài nguyên môi trường biển, đến nay, trên Vịnh Hạ Long đã xác định được 435 loài thực vật trên cạn, 28 loài thực vật ngập mặn, 5 loài cỏ biển, 234 loài san hô, 139 loài rong biển, 278 loài thực vật phù du, 133 loài động vật phù du, 315 loài cá, 545 loài động vật thân mềm sống đáy, 178 loài động vật thân mềm ở cạn, 8 loài bò sát, 53 loài trùng lỗ, 22 loài thú sống trên các đảo, 76 loài chim, 4 loài lưỡng cư… trong số đó, có nhiều loài thực vật quý hiếm có mặt trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, các nhà khoa học đã xác định được 17 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Hạ Long như: Cọ Hạ Long, móng tai Hạ Long, thiên tuế Hạ Long, sung Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long…

Về đa dạng hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long, có thể chia làm hai hệ sinh thái lớn là: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển ven bờ. Đối với hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, các nhà khoa học đã xác định được tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở Vịnh Hạ Long là hơn 1.000 loài. Căn cứ vào các kiểu thảm thực vật và rừng, các nhà khoa học chia hệ sinh thái rừng thường xanh mưa nhiệt đới ở Vịnh Hạ Long ra làm 4 loại chính: Rừng ẩm mưa mùa trên núi đá, dạng cây bụi trên nền khô núi đá, rừng ngập mặn và thực vật ở hang động núi đá. Đối với hệ sinh thái biển và ven bờ, sự phong phú về đa dạng sinh học càng thể hiện rõ hơn với 6 dạng sinh thái tiêu biểu. Cụ thể là hệ sinh thái vùng triều và vùng ngập mặn - phân bố tại khu vực Hạ Long và vùng phụ cận; hệ sinh thái đáy cứng, rạn san hô, một trong những đặc thù của Vịnh Hạ Long - là hệ sinh thái có năng suất sinh thái cao, giúp làm sạch môi trường nước, tập trung ở khu vực Hang Trai, Cống Đỏ, Vạn Giò; hệ sinh thái đáy mềm là dạng hệ sinh thái của quần thể cỏ biển -thường phân bố ở đới thấp, với những loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ và giun biển có giá trị dinh dưỡng cao như sá sùng, hải sâm, sò, ngao... Đặc biệt, Vịnh Hạ Long còn có hệ sinh thái hang động và tùng, áng mà hiếm nơi nào có được. Áng là các hồ chứa nước nằm giữa các đảo; tùng là vùng nước có một cửa tương đối kín, ít sóng. Đây là những điều kiện tự nhiên tạo nên các hệ sinh thái đặc biệt, làm tăng thêm sự đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long. Cuối cùng phải kể tới là hệ sinh thái biển. Tới nay, các nhà khoa học đã thống kê được Vịnh Hạ Long có khoảng 185 loài thực vật phù du, 140 loài động vật phù du, gần 500 loài động vật đáy và 326 loài động vật tự du (tức tự chủ bơi được trong nước). Tất cả những con số trên là một minh chứng rõ nét về sự đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long, một trong những giá trị đặc biệt mà hiếm nơi nào trên thế giới có được.

Bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn của di sản. Không chỉ vậy, nó còn chi phối cả các giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, văn hoá của Vịnh Hạ Long. Ngày nay, do sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là các hoạt động khai thác khoáng sản, vận tải, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, mở rộng đô thị… diễn ra ngày càng gia tăng trên và ven bờ Vịnh Hạ Long đã gây nên những sức ép không nhỏ đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của di sản. Các tác động từ sự suy giảm rừng ngập mặn, nước thải, rác thải mang theo các khoáng chất độc hại từ các khu dân cư ven bờ, dầu thải từ máy tàu thuyền… là các nguyên nhân gây bồi lắng đáy vịnh, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của các loài động thực vật ở hệ sinh vật đáy và nhiều loài động thực vật khác.

Còn nhớ khoảng 6 năm trước, phát biểu tại một hội thảo khoa học về Vịnh Hạ Long, tổ chức ở Hà Nội, ông David Brown - một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam - khi đó là Giám đốc Dự án Con thuyền sinh thái (Ecoboat) tại Hạ Long của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI), đã đưa ra nhận xét rằng “Vịnh Hạ Long là một trường học lớn”. Hàm ý ông muốn nói đến chính là sự đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long - nơi mà người ta có thể tìm hiểu về sự đa dạng, phong phú của thiên nhiên. Cũng chính vì mục tiêu bảo tồn, gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long mà trong suốt mấy năm tài trợ và triển khai dự án Ecoboat tại Hạ Long, FFI đều hướng tới công tác tuyên truyền, vận động để cộng đồng hiểu được giá trị, ý nghĩa và sự cần thiết phải bảo tồn, gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long. Tiếp theo FFI, Tổ chức JICA của Nhật Bản cũng đã và đang triển khai nhiều dự án tại Hạ Long với mục tiêu tương tự.

Vì một Hạ Long mãi xanh cho hôm nay và mai sau, mỗi người hãy chung tay bằng việc làm thiết thực để bảo tồn, gìn giữ môi trường di sản.

Đại Dương

Nguồn: : baoquangninh.com.vn