Kinh doanh dịch vụ phi hàng không ở các sân bay: Giá trên trời vì “một mình một chợ”

Cập nhật: 23/07/2013
Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành chiến dịch thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ phi hàng không ở các cảng hàng không, sân bay lớn nhằm xiết lại các quy định về giá dịch vụ.

Thời gian gần đây, báo chí đồng loạt đưa tin về việc giá dịch vụ phi hàng không (chủ yếu là dịch vụ ăn uống) ở các sân bay của Việt Nam như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Nẵng... quá cao, “... đắt nhất thế giới”, “kỷ lục đồ ăn đắt nhất”, “cơm tù”, “giá... trên trời tại sân bay”...

Những sự việc liên quan đến giá dịch vụ phi hàng không ở các sân bay khiến cho hình ảnh về ngành Hàng không Việt Nam mất điểm trầm trọng trong mắt khách hàng, ảnh hưởng cả tới hình ảnh Việt Nam trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước.

Đến mức, ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam còn cho rằng: “Chúng tôi kiên quyết trong việc chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ phi hàng không, nhất là việc quy định giá bất hợp lý, giá độc quyền. Không phải cứ “một mình một chợ”, muốn làm gì thì làm”.

Sân bay Nội Bài (Cụm cảng Hàng không miền Bắc) là địa điểm mở màn cho chiến dịch này. Đoàn kiểm tra do ông Lưu Thanh Bình dẫn đầu đã tiến hành thanh, kiểm tra về giá các dịch vụ phi hàng không tại sân bay Nội Bài, ngày 16/7. Nhiều sai phạm về giá và chất lượng dịch vụ đã bị phát hiện trong đợt kiểm tra này. Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy, mặc dù niêm yết nhưng doanh nghiệp không thực hiện, có những mặt hàng không niêm yết, có mặt hàng chưa rõ nguồn gốc.

Giá dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay Nội Bài được đánh giá là cao hơn khá nhiều so với cửa hàng bên ngoài. Khách phải trả 150.000 đồng cho 1 bát phở và 2 chai nước suối, 1 bát mì tôm giá 40.000 đồng, 1 xúc xích 30.000 đồng, 1 bát mì bò gần 80.000 đồng...

Trước đó, nhiều báo cũng đã đưa tin về việc 1 chiếc bánh hamburger có giá 180.000 đồng ở sân bay Cam Ranh, 1 bát mỳ tôm trứng giá 60.000 đồng... Một số sân bay khác như: Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất cũng rơi vào tình trạng giá bán cao hơn nhiều so với cửa hàng bán lẻ ở ngoài, gây bức xúc cho khách hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ ở các sân bay được xem là cao cấp nhưng sản phẩm hàng hóa nghèo nàn, chất lượng dịch vụ cũng không tương xứng.

Cục Hàng không Việt Nam mới đây cũng đã có văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam tăng cường giám sát, khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh miễn thuế, kinh doanh hàng ăn uống thực hiện nghiêm túc việc đăng ký chất lượng, niêm yết công khai giá hàng hóa để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Sau khi kiểm tra và họp với các đơn vị liên quan, ông Lưu Thanh Bình đã yêu cầu từng đơn vị hiệp thương lại toàn bộ vấn đề giá các dịch vụ, không để ảnh hưởng đến khách hàng và không thể tồn tại tình trạng kinh doanh bằng mọi giá. Chậm nhất đến ngày 15/8, Cảng hàng không miền Bắc phải báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam về vấn đề này. Những đơn vị đăng ký một đường, làm một nẻo sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc nhượng quyền kinh doanh cho doanh nghiệp khác.

Trớ trêu là trong đúng ngày Cục Hàng không Việt Nam ra quân kiểm tra sân bay Nội Bài (16/7) thì cùng ngày Truyền hình Việt Nam- VTV đưa tin, đồn Công an sân bay Nội Bài đã phát hiện và bắt giữ để phục vụ điều tra một lái xe taxi có hành vi bắt chẹt tiền của khách du lịch nước ngoài.

Cụ thể là đối tượng Vũ Văn Chuyên (Sóc Sơn- Hà Nội) - lái xe của hãng taxi Việt Thanh, chở khách từ khách sạn Fortuna (Láng Hạ- Hà Nội) đến sân bay Nội Bài đã thu hơn 7,5 triệu đồng của du khách người Nhật Bản (trong khi giá trung bình của taxi từ trung tâm Hà Nội ra sân bay Nội Bài chỉ từ 200.000- 350.000 đồng- P.V).

Liên quan đến vấn đề “taxi dù”, taxi bắt chẹt khách mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo nghiên cứu gắn chip điện tử để kiểm soát, ngăn chặn, lãnh đạo Cảng hàng không miền Bắc khẳng định “đã hạn chế rất nhiều nhưng thi thoảng vẫn xảy ra một vài trường hợp khách hàng bị “taxi” chặt chém. Tuy nhiên, chỉ cần xảy ra một vụ là gần như đã xóa sổ những hình ảnh tốt đẹp khác của Hàng không Việt Nam”.

Với việc quảng cáo khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công ty du lịch sai sự thật ở các cảng hàng không, sân bay, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: “Các cảng vụ, cảng hàng không, sân bay không có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo nhưng có thể kiểm tra, khuyến cáo và không cho phép tiếp tục sử dụng dịch vụ, nếu vi phạm”.

Mức độ hài lòng của khách với dịch vụ hàng không theo bảng thăm dò ý kiến trên trang mạng của Cục Hàng không Việt Nam rất thấp. Kết quả thăm dò chiều ngày 18.6 cho thấy, chỉ 37,7% khách hàng rất hài lòng với dịch vụ hàng không, 12% hài lòng và có tới 50,3% không hài lòng.

 

Nguyễn Anh

 

Nguồn: Báo Văn hóa