Hợp tác bảo tồn loài voi nguy cấp

Cập nhật: 24/05/2016
Ngày 23/5, Tổ chức Động vật châu Á và Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đắk Lắk đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ cho dự án bảo tồn voi Việt Nam với tổng giá trị tài trợ lên đến 50.000 USD trong giai đoạn 2016 - 2017. Đây là lần đầu tiên, Đắk Lắk ký thỏa thuận với một tổ chức quốc tế để hợp tác bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Chăm sóc voi được thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế

 

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổ chức Động vật châu Á và UBND Tỉnh Đắk Lắk, toàn bộ chương trình tài trợ sẽ được phân bổ trực tiếp cho Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk để nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, bảo tồn voi cho Trung tâm. Trong suốt một năm thực hiện dự án, Tổ chức Động vật châu Á sẽ cử các chuyên gia và bác sỹ thú y thực hiện: Tư vấn thiết kế, hỗ trợ xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất cho khu vực chăm sóc và quản lý voi; Nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị cho voi cho các bác sỹ thú y và nhân viên trực tiếp chăm sóc voi của Trung tâm Bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk.

 

Chương trình hợp tác còn ưu tiên cho công tác cứu hộ voi rừng bị tai nạn hoặc voi nhà không có điều kiện chăm sóc đảm bảo nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nâng cao phúc lợi động vật. Đồng thời, Dự án sẽ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức hướng đến cộng đồng dân cư khu vực xung quanh cũng như trên cả nước về bảo tồn voi, bảo vệ các loài động vật hoang dã khác tại Đắk Lắk, cũng như đảm bảo phúc lợi động vật.

 

Được biết, 60 % chi phí dự án sẽ được sử dụng để cung cấp các dụng cụ khám, chữa bệnh cho voi, cũng như các vật dụng, công trình chăm sóc voi. Dự án cũng dành 12.000 USD (tương đương với 24% chi phí của dự án) để huấn luyện chuyên môn cho các bác sỹ thú y và nhân viên địa phương.

 

Ông Vũ Văn Đông - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đại diện cho UBND Tỉnh ký thỏa thuận chính thức bày tỏ vui mừng và tin tưởng vào thiện chí của Tổ chức Động vật châu Á trong suốt thời gian qua, cũng như ghi nhận những hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á là Tổ chức quốc tế đầu tiên chính thức hợp tác với tỉnh bảo tồn loài voi quý hiếm.

 

Lễ ký kết

 

Chia sẻ sau Lễ ký thỏa thuận chính thức, PGS. TS. Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho rằng:“ Tổ chức Động vật châu Á rất hân hạnh khi được cùng với Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đắk Lắk giúp đỡ về chuyên môn, kinh nghiệm và tài chính cho dự án Trung tâm Bảo tồn Voi tại Đắk Lắk. Với chúng tôi, đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm; chính vì vậy, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hôm nay là minh chứng cho sự cam kết lâu dài của Tổ chức chúng tôi trong việc việc bảo tồn loài voi Việt Nam tại Đắk Lắk. Với chuyên môn và những thành công nhất định đã đạt được trong việc bảo tồn và cứu hộ, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk để có thể bảo tồn được quần thể voi còn lại, đồng thời có thể nâng cao điều kiện chăm sóc cũng như phúc lợi cho các cá thể voi nhà.”

 

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk: "Bảo tồn voi là một lĩnh vực bảo tồn loài khó khăn, cán bộ làm công tác bảo tồn voi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rừng sâu, thường xuyên đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm, nhưng chưa qua đào tạo chuyên sâu về công tác bảo tồn voi kể cả voi nhà và voi rừng. Quần thể voi hoang dã còn dưới 100 cá thể được coi là thiếu bền vững trong tự nhiên và đang phải đối mặt với tình trạng săn bắn, mất môi trường sống do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp và nạn phá rừng làm nương rẫy. Voi nhà do các tổ chức và hộ gia đình quản lý chăm sóc riêng lẻ không đảm bảo môi trường sống, nguồn thức ăn thiếu dinh dưỡng, sử dụng vào mục đích du lịch quá sức, voi không có cơ hội gặp gỡ giao phối tự nhiên, đàn voi nhà của tỉnh còn 43 cá thể độ tuổi trung bình trên 40 tuổi và đã hơn mười năm trở lại đây không sinh sản.Trong khi diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp do các dự án nông, lâm nghiệp và nạn phá rừng làm nương rẫy cùng với việc săn bắn voi đã làm cho đàn voi hoang dã ngày càng hung dữ và xung đột voi-người ngày càng gia tăng."

 

Từ năm 2014, Tổ chức Động vật châu Á cũng thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ cho Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk. Tổ chức đã giới thiệu và cử các chuyên gia chăm sóc voi quốc tế đến làm việc khám sức khỏe cho 36 cá thể voi cũng như đưa ra những tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, quản lý voi. Tổ chức cũng đã tài trợ và mời các cán bộ của Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk tham gia các khóa tập huấn nâng cao phúc lợi cho động vật tổ chức tại Vườn thú Hà Nội và Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Bảo tồn Voi, Tổ chức cũng giới thiệu chuyên gia thiết kế quốc tế từ Tổ chức Veasey Zoo & Design sang tư vấn việc thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Với các trường hợp khẩn cấp nhu voi rừng bị thương, Tổ chức ngay lập tức cử chuyên gia thú y quốc tế tới khám điều trị và phẫu thuật mổ vết thương lấy dị vật, và hỗ trợ chăm sóc như trường hợp dị vật mắc trong chân cá thể voi rừng cứu hộ năm 2015.

Pv

 

Nguồn: langvietonline.vn