Khám phá sự hùng vĩ của đường Hạnh Phúc, Hà Giang

Cập nhật: 20/12/2023
Quốc lộ 4C còn được gọi là đường Hạnh Phúc (1959-1965) nối thành phố Hà Giang với 4 huyện miền núi gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc với chiều dài 185 km. Đường Hạnh Phúc là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương, phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây - Đông Bắc, là điểm du lịch hấp dẫn, hội tụ những tinh hoa, vẻ đẹp, sự hùng vĩ ở vùng cực Bắc của Tổ quốc.

Hành trình khám phá con đường Hạnh Phúc trong tour du lịch “Đường Hạnh Phúc - con đường Máu và Hoa” do Hiệp hội Du lịch Hà Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Cao nguyên đá nghiên cứu, khảo sát và đã công bố. Xuất phát điểm đầu là cầu Gạc Đì (thành phố Hà Giang) đến điểm cuối là cột mốc số 0 ở huyện Mèo Vạc; du khách lần lượt có những khám phá, trải nghiệm qua những địa danh lịch sử ghi đậm dấu ấn về con đường Hạnh Phúc với biết bao công sức, sự hy sinh của hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc ở Hà Giang và 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định để mở đường từ năm 1959-1965, được Bác Hồ đặt tên là con đường Hạnh Phúc, cùng những địa danh tạo nên thương hiệu cho du lịch Hà Giang.

Con đường Hạnh Phúc nhìn từ vách đá trắng.

Sau khi dừng chân thắp hương tưởng niệm, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang; du khách theo hành trình khám phá, đi trên con đường Hạnh Phúc năm xưa, nay được trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn bên sườn núi. Điểm dừng ở huyện Yên Minh là Nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong được xây dựng ngay sau khi con đường Hạnh Phúc hoàn thành ngày 20/3/1965, đây là nơi yên nghỉ của 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong quá trình làm đường.

Trong hành trình khám phá con đường Hạnh Phúc, du khách lần lượt được ngắm nhìn cảnh đẹp, sự hùng vĩ, nét văn hóa đặc trưng của bốn huyện vùng cao Hà Giang, nằm trong Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nổi bật là cổng trời Quản Bạ, nơi săn mây đẹp nhất Hà Giang. Du khách có thể chụp ảnh về núi đôi Quản Bạ, một tuyệt tác của thiên nhiên, khám phá về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Trên đường đi, vượt qua những cung đường ngoằn nghèo, qua những thung lũng ngô xanh mướt, những nương hoa tam giác mạch nhiều sắc màu nở bên sườn núi, du khách có thể chụp ảnh về cảnh đẹp của những đèo, dốc như: dốc Chín Khoanh, dốc Thẩm Mã, đèo Mậu Duệ… và tiêu biểu nhất là đèo Mã Pì Lèng, một trong những cung đường hiểm trở, để hoàn thành cung đường này lực lượng thanh niên xung phong đã phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi và máu.

Cho đến hôm nay, khi đi trên con đường Hạnh Phúc, đứng trên đỉnh núi Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200 m, được ngắm nhìn toàn thể Cao nguyên đá Đồng Văn, nhìn xuống dòng sông Nho Quế có một màu xanh đặc trưng, uốn lượn như một dải lụa mềm dưới vực sâu, một cảm giác thiêng liêng, trân trọng cảm ơn các thế hệ thanh niên đã mở đường, yêu người dân bản xứ và thêm yêu Tổ quốc Việt Nam.

Cũng trong tuyến tham quan đèo Mã Pì Lèng, du khách có thể xuống thuyền đi ngắm cảnh trên dòng sông Nho Quế, hẻm Tu Sản lại càng thấy sự hùng vĩ của con đường Hạnh Phúc. Theo hành trình, du khách đi tiếp đến những địa danh du lịch, luôn thu hút du khách trong nước và quốc tế ở huyện Đồng Văn như: Di tích kiến trúc - nghệ thuật khu Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, làng văn hóa Lũng Cẩm mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, nơi đây có ngôi nhà cổ được quay trong phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”. 

Hoa tam giác mạch trong vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang.

Điều đặc biệt, du khách đến Đồng Văn và một huyện vùng cao của Hà Giang vào mùa Xuân từ tháng 12 đến tháng 4 và mùa Thu từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp của hoa tam giác mạch, nở rộ khoe sắc hồng cả một thung lũng. Ngoài ra, mùa Xuân còn có hoa đào, hoa mơ, hoa mận điểm xuyết thêm nét đẹp dịu dàng của hoa cải. Điểm cuối của hành trình khám phá con đường Hạnh phúc là km số 0 tại trung tâm huyện Mèo Vạc. Đến đây, du khách có thể khám phá, thưởng thức nét văn hóa, ẩm thực độc đáo dân tộc Mông, không thể thiếu sản phẩm chế biến từ hoa tam giác mạch như rượu, bánh tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại thôn Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm du khách có thể đến khám phá, trải nghiệm tại chợ tình Khau Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.

Điểm nhấn trong tour du lịch “Đường Hạnh Phúc - con đường Máu và Hoa” chính là chinh phục vách đá trắng Hà Giang, còn gọi là vách đá thần, nằm ngay trên đèo Mã Pì Lèng thuộc địa phận huyện Mèo Vạc. Nằm giữa xã Pải Lũng và xã Pả Vi, xuất phát từ tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, bên cạnh là Bảo tàng con đường Hạnh Phúc, du khách chinh phục vách đá trắng theo con đường dài 7 km. Đoạn đường có thể đi xe máy dài 3 km, còn lại 4 km khách phải theo đường mòn, có rào bảo vệ. Trên đường đi có “mỏm đá sống ảo”; dãy núi hình sống mũi khủng long, đây là đoạn đường đi lại hẹp chỉ vừa một người, ngoằn nghèo, một bên là vực sâu, một bên là vách núi cao. Con đường dẫn vào vách đá trắng trước đây là con đường mòn để người dân đi qua, đây cũng chính là con đường mà ngày xưa Vua Mèo thường đi ngựa, qua lại, dừng chân nghỉ ngơi. Từ xa khách đã nhìn thấy vách đá trắng thẳng đứng, nằm ở độ cao 1.700 m, nổi bật giữa màu xanh có núi non. Vách đá trắng không chỉ có những cảnh quan kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng mà còn gắn liền với truyền thuyết tình yêu vợ chồng chung thủy, son sắt.

Du khách trải nghiệm cung đường Hạnh Phúc và thăm vách đá trắng Hà Giang.

Chiều dài của vách đá trắng khoảng trên 200 m, kết cấu của vách đá trắng được tạo nên bởi sự đứt gẫy của địa chất, từ xa trông rất rõ các thớ đá xếp chồng lên nhau, đan xen là những tảng đá ghồ ghề, những nhũ đá với nhiều hình dáng, tạo nên cảnh quan rất đẹp. Tại điểm đầu của vách đá trắng, có đường dẫn lên phía trên lòng của vách đá, ở đây có khoảng không rộng, bằng phẳng, có thể cắm trại, ngồi thư giãn, chụp ảnh. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh đèo Mã Pì Lèng, thấy hình ảnh đẹp và sự hùng vĩ núi non trập trùng, đan xen là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông ở lưng chừng núi, phía dưới là dòng sông Nho Quế nước xanh ngắt, uốn lượn, ẩn hiện như xẻ đôi cả đồi núi.

Trong hành trình khám phá con đường Hạnh Phúc vào thời điểm từ tháng 10 dương lịch, du khách còn có những trải nghiệm, ngắm nhìn những nương hoa tam giác mạch rực rỡ sắc màu, ngắm nhìn, chụp ảnh nét độc đáo của trang phục dân tộc Mông, thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mông như thắng cố, rượu ngô, bánh hoa tam giác mạch, bia tam giác mạch, cùng chung vui trong những điệu múa, cùng nhảy với các chàng trai cô gái Mông, trong tiếng khèn réo rắt, dấu ấn thật khó quên. 

Bài, ảnh: N Dương

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 19/12/2023