Mỹ Tho như cô gái đôi mươi, năng động, duyên dáng, luôn biết lấy vẻ đẹp biến hóa trù phú của mình mà thu hút du khách.
Cầu dây văng Rạch Miễu nối liền TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Bến Tre), là chiếc cầu lớn thứ ba ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là biểu tượng của thành phố Mỹ Tho năng động.
Dù vào Sài Gòn học và lập nghiệp từ nhiều năm nhưng tôi vẫn chưa được dịp khám phá văn hóa sông nước Tây Nam Bộ.
Đi Mỹ Tho là một quyết định tình cờ khi tôi đang cảm thấy không hứng thú với công việc và mệt mỏi vì các mối quan hệ cá nhân. Quyết định tìm một nơi mới lạ để trải nghiệm, cân bằng cảm xúc thôi thúc tôi từ giữa tuần. Sau khi chọn lựa qua nhiều điểm du lịch quen thuộc như Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, tôi bỗng quyết định đi Mỹ Tho.
Từ trung tâm TP.HCM, tôi đi dọc quốc lộ 1A, qua ngã tư Trung Lương để đến thành phố Mỹ Tho. Khác với tưởng tượng của tôi về một thành phố miền Tây với những con đường đất đỏ nhỏ hẹp, nhà mái lá và sông ngòi chằng chịt, Mỹ Tho hiện lên như một cô gái trẻ năng động, tràn nhựa sống với các cửa hàng thời trang, sản phẩm công nghệ, phố phường nhộn nhịp, nhiều dịch vụ giải trí, ăn uống, du lịch.
Sau khi thưởng thức món hủ tiếu sa tế đặc sản của vùng, tôi cùng một anh bạn địa phương đi dọc theo bờ kè sông để đến bến phà 30/4. Từ bến phà, thuyền chở chúng tôi về hạ lưu sông Tiền để đến cù lao Thới Sơn (còn gọi là cồn Lân hay cồn Thới Sơn). Nghe bác lái thuyền bảo, trên nhánh sông Tiền này có 4 cồn lớn là Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn Lân là cồn lớn nhất trong số đó với nhiều hạng mục du lịch, làng nghề cổ truyền, nhiều gian hàng thủ công mỹ nghệ.
Đường đi đến cồn Lân với quang cảnh sông Tiền rộng mênh mông bát ngát.
Cồn Lân chào đón chúng tôi với một cơn mưa bất chợt, trong thời gian chờ mưa tạnh, chúng tôi được mời uống một bình trà mật ong phấn hoa và nếm thử món chuối ngào đường. Sát bên, các nghệ sĩ miệt vườn đang biểu diễn đờn ca tài tử với các khúc hát quen thuộc như Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang...
Các nghệ sĩ miệt vườn vùng sông nước đờn ca cho du khách thưởng thức
Sau khi dạo quanh một vòng các vườn, gian hàng trái cây ăn quả, gian hàng thủ công mỹ nghệ và mua ít quà lưu niệm, chúng tôi tham quan quy trình làm kẹo dừa độc đáo gia truyền lâu đời nổi tiếng của người dân Tiền Giang, Bến Tre.
Để đáp ứng các khách du lịch đam mê với văn hóa làng nghề, trên cồn cũng có các xưởng sản xuất kẹo dừa với đủ quy trình chế biến.
Các gian hàng trình bày và bán các đặc sản trái cây của vùng.
Tiết mục mong chờ nhất chuyến đi của những người con miền Trung chúng tôi là được ngồi xuồng ba lá qua các kênh rạch nhỏ trên sông Tiền. Mặc dù chèo thuyền chở du khách là những cô gái trẻ và cụ già, nhưng ai nấy cũng đều tay chân thoăn thoắt, chèo tuy mệt nhưng vẫn vui đùa, hướng dẫn du khách.
Những ngày cuối tháng 8 trời mát dịu, hình ảnh những bụi dừa xanh biếc hòa quyện với màu nước ngậm phù sa, với mây trời đã khiến tôi lâng lâng cảm xúc
Rời cồn Lân, lái thuyền đưa chúng tôi đi dọc sông Tiền để đến cồn Phụng. Cồn Phụng được thiết kế với nhiều mảng xanh, kiến trúc như một công viên văn hóa. Tại đây, nhiều khách tìm đến tham quan các di tích đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập, di tích về nhà kiến trúc dừa với các thiết kế dừa độc đáo.
Tượng ông Phúc – Lộc – Thọ làm bằng rễ cây dừa
Cồn Phụng ngoài di tích lịch sử còn có một khu nuôi cá sấu lớn cho du khách tham quan, câu cá giải trí nghỉ ngơi. Câu chuyện ông Năm Hên bắt cá sấu bằng tay không tại rừng U Minh Hạ trong tiểu thuyết của nhà văn Sơn Nam kích thích chúng tôi tham gia trò câu cá sấu tại cù lao Phụng. 'Rất may' là chẳng con cá sấu nào mắc câu.
Những con cá sấu nằm trên cạn “đợi” du khách kéo cần
Chuyến đi Mỹ Tho đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc về văn hóa, quang cảnh miền sông nước với những con người chất phác và mến khách.
Ngọc Duyên