Biển xanh, cá sạch - đặc sản nơi làng biển Cà Ná

Cập nhật: 12/10/2016
Nguồn: tuoitre.vn
Những bãi biển xanh như ngọc, tàu thuyền nêm chặt cá tôm, những “đồi” muối trắng đồng… Tất cả đều là “đặc sản” của Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
Những ngày này, nhiều tàu thuyền cập cảng Cà Ná trúng đậm cá cơm. Với giá bán trung bình 400.000 đồng/giỏ cá nặng 18kg thì mỗi chuyến đánh bắt cũng lãi được vài chục triệu đồng. Không chỉ có chủ và bạn tàu có thu nhập, việc trúng đậm cá cơm còn tạo công ăn việc làm cho những người làm thuê bốc vác cá tại cảng - Ảnh: Tiến Thành
 
Mới đây, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận “chưa có ý kiến về dự án này”. 
 
Trước đó, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 nắng gió, chúng tôi có dịp trở lại làng biển lâu đời nhất cực nam Ninh Thuận để ghi nhận cuộc sống thanh bình của người dân nơi đây.
 
Đó là cuộc sống của những ngư dân hằng ngày chèo ghe, thuyền thúng bắt con tôm, con cá. Cứ 3g sáng, trời còn nhá nhem, hàng chục ngư dân ở các làng Thương Diêm 1, Thương Diêm 2 đã í ới gọi nhau ra biển.
 
Đến 6-7g sáng, những thuyền thúng lần lượt vào bờ, mọi người cùng nhau hò reo, giúp nhau khiêng thúng vào bờ để giũ lưới.
 
Cách đó không xa, tàu thuyền của ngư dân cũng tấp nập vào bờ sau mỗi ngày đánh bắt cá cơm. Ra khơi từ chiều hôm trước,  rạng sáng hôm sau, nhiều tàu thuyền đã nêm chặt những giỏ cá cơm khiến những ngư dân phấn khởi được mùa.
 
Đó là cuộc sống của những diêm dân chất phác. Họ làm việc quần quật trên những đồng muối trải dài hàng cây số nhưng lòng đầy tự hào về “xứ sở” muối sạch và mặn nhất VN.
 
Cà Ná, vùng đất nắng gió, vừa đỗi bình yên và đầy quyến rũ với bất cứ ai muốn khám phá và cảm nhận sự hoang sơ và hương vị mặn mòi của làng biển lâu đời.
 
Những ngư dân cùng nhau hợp sức khiêng thuyền thúng vào bờ, giũ lưới sau vài giờ ra khơi - Ảnh: Tiến Thành
 
Ông Nguyễn Xin, người đã hành nghề cá gần 20 năm, tâm sự: “Ông bà nói biển là biển giả. Có bữa được bữa chăng nhưng vẫn còn hơn không có nghề” - Ảnh: Tiến Thành
 
Bà Nguyễn Thị Quyền (41 tuổi) cùng chị Đặng Thị Loan (25 tuổi), ở thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm cho biết đã làm nghề lưới từ nhỏ. “Cứ 3g sáng, đàn ông trong xóm dậy, chèo thuyền thúng ra khơi. 7g sáng vô bờ. Bữa có cá kiếm 200.000-300.000 đồng, có bữa biển động quá thì nghỉ” - bà Quyền nói - Ảnh: Tiến Thành
 
Một gia đình ở làng biển Thương Diêm 1 cùng đẩy thuyền thúng lên bờ - Ảnh: Tiến Thành
 
Ra khơi từ 3g sáng đến 6g-7g sáng, những ngư dân chèo thuyền thúng vào bờ để giũ lưới -Ảnh: Tiến Thành
 
Ở cảng cá Cà Ná mở rộng, công việc vá lưới không chỉ có đàn bà làm, đàn ông cũng tranh thủ làm lưới trước khi giong thuyền ra khơi - Ảnh: Tiến Thành
 
Với người dân Cà Ná, con cá vừa là thức ăn, vừa là nguồn thu nhập mưu sinh hằng ngày - Ảnh: Tiến Thành
 
Những công nhân ở Cà Ná tất bật làm việc trên cánh đồng muối trải dài hàng chục hecta. Họ tự hào về muối Cà Ná - thứ muối sạch và mặn nhất Việt Nam - Ảnh: Tiến Thành
 
Những đồi muối tinh khiết ở Cà Ná dễ nhận thấy trên cánh đồng muối rộng hàng chục hecta - Ảnh: Tiến Thành
 
Ông Phan Văn Tám (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Cách đã sống hơn nửa đời người ở khu vực Dốc Hầm, nơi dự kiến xây dựng nhà máy thép. Trước đây, hai vợ chồng ông bà chèo ghe, làm mướn nghề biển nhưng khi ông Tám tai biến bị liệt hai vợ chồng ngồi nhà bán quán - Ảnh: Tiến Thành
 
Từ làng chài Cà Ná có thể thấy rõ những ống khói của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) - Ảnh: Tiến Thành
 
TIẾN THÀNH