Quyến rũ Sơn Trà

Cập nhật: 15/05/2017
Nguồn: toquoc.vn
Đến mùa thay lá, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đẹp như một bức tranh. Nơi đây còn có nhiều loài động thực vật quý hiếm và được xem là "báu vật" của người Đà Nẵng.
 
Nằm về phía Đông Bắc thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp vịnh Đà Nẵng thuộc vành đai biên giới biển Việt Nam, phía Đông Bắc và Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây Nam giáp đất liền, bán đảo Sơn Trà hội tụ đủ ba yếu tố về hệ sinh thái đặc biệt, vị trí quốc phòng an ninh trọng yếu và tiềm năm phát triển kinh tế.
 
 
Đới bờ biển Sơn Trà – Đà Nẵng là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển. Đây là di sản và kỳ quan địa chất – địa mạo, cùng tài nguyên vị thế đặc trưng. Nơi đây thường xảy ra tác động tương tác mạnh mẽ của cả 4 quyển gồm Khí quyển, Thạch quyển, Thủy quyển và Sinh quyển đã tạo ra một hệ thống cảnh quan đa dạng cùng nguồn tài nguyên phong phú vượt trội so với các vùng khác.
 
Đới bờ biển Sơn Trà là một hệ thống tự nhiên bao gồm rừng ven biển, cồn đụn cát, đồng bằng, đồi núi, thủy vực cửa sông suối, và vũng vịnh. Núi Sơn Trà cao gần 700m, có khoảng 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc. Là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu (WWF, 2010), bán đảo Sơn Trà lưu trữ đa dạng sinh học rất lớn.
 
 
Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 03 loài cỏ biển.
 
 
Bán đảo Sơn Trà có nhiều điểm tương đồng đảo Phillip như cùng là nơi cư trú của loài đặc hữu, có vị trí biệt lập nhưng thuận tiện kết nối giao thông, thậm chí nổi trội hơn đảo Phillip (một mô hình công viên thiên nhiên rất nổi tiếng ở bang Victoria Úc) về sự giàu có của giá trị đa dạng sinh học, bán đảo Sơn Trà hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một Phillip thứ hai của Việt Nam.
 
 
Không chỉ có hệ động thực vật phong phú, Sơn Trà còn được ví như “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu và là bức bình phong chặn gió bão cho TP. Đà Nẵng. Hệ thực vật với 985 loài hình thành nên 4 kiểu thảm thực vật rừng gồm Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới; Kiểu quần hệ rừng phục hồi sau khai thác kiệt; Kiểu quần hệ trảng cây bụi, và Kiểu quần hệ trảng cỏ.
 
 
Trên đỉnh Sơn Trà có trạm rađa nằm ở độ cao 621m so với mực nước biển, được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát của hệ thống lên đến hàng trăm kilômet. Tầm quét sóng có thể vươn ra cả khu vực Đông Dương. Hiện nay, trạm rađa kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm trên bán đảo Sơn Trà có nhiệm vụ cảnh giới và theo dõi không lưu của toàn bộ vùng nước Biển Đông, bao trùm lên toàn bộ vịnh Bắc Bộ và không phận của Lào, Campuchia. Với vị trí này, trạm rađa trên bán đảo Sơn Trà trở thành “mắt thần” của Trung tâm Cảnh báo sớm và điều hành tác chiến đường không trên toàn bộ Biển Đông và bầu trời Việt Nam.
 
 
Chỉ số đa dạng loài ở các quần xã rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là tương đối cao. Sơn Trà là nơi sinh sống của nhiều loài thú nguy cấp, quý hiếm như Voọc chà vá chân nâu – loài đặc hữu ở khu vực Đông Dương, Mèo rừng, Chồn bạc má. Nghiên cứu của Viện Sinh thái học Miền Nam còn phát hiện loài mới cho Việt Nam, đó là loài Riềng gợn sóng. Loài này được mô tả lần đầu tiên năm 2012 tại Đảo Hải Nam, Trung Quốc, tuy nhiên ở Việt Nam đây là loài mới phát hiện và tính đến nay bán đảo Sơn Trà là nơi duy nhất tìm thấy loài cây này.
 
Đến mùa thay lá, rừng Sơn Trà đẹp như một bức tranh...
 
 
Rừng Sơn Trà không chỉ có chức năng chắn gió chắn bão cho Đà Nẵng mà còn là nguồn cấp nước chính của Quận Sơn Trà. Hiện nay, Nhà máy nước Sơn Trà với công suất 5.000 m3/ ngày đêm là nguồn nước cấp cho các cơ sở du lịch và an ninh, quốc phòng tại Sơn Trà.
 
 
Trên bán đảo Sơn Trà có khoảng 20 con suối và lạch nước nhỏ, trong đó lớn nhất là suối Đá và suối Heo. Hai con suối này là nguồn nước cho một số hộ dân sinh sống dưới chân núi Sơn Trà cũng như toàn bộ hệ động thực vật ở bán đảo này.
 
Những mùa hoa quyến rũ trên báo đảo Sơn Trà...
 
 ...nở tím biếc một góc trời.
 
Đây là loài cây mà Voọc chà vá chân nâu rất thích ăn...
 
 
 Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu – loài đẹp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới do có nhiều màu sắc nhất trong các loài voọc. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, ở Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 cá thể, trong đó, bán đảo Sơn Trà có khoảng 300 cá thể.
 
 
Voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp theo phân hạng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên thế giới được bảo vệ trên toàn thế giới và ở Việt Nam.
 
Du khách trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng họ chọn Sơn Trà là điểm đến để khám phá, trải nghiệm.  
 
Sơn Trà là "viên ngọc quý" không những của người Đà Nẵng mà của cả nước...Nếu ai tới trải nghiệm Sơn Trà một lần thì sẽ không bao giờ quên và muốn quay trở lại bán đảo bình yên này.
 
Một góc Sơn Trà quyến rũ...
 
Đức Hoàng - Bùi Tuấn