Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam tiếp cận bảo tồn để phát triển bền vững - Phần 1

Cập nhật: 11/09/2017
Nguồn: culaochammpa.com.vn
Được gọi là đảo, nhưng không xa lắm từ đất liền, chỉ cách một dòng sông, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được che chắn bởi những dải đá trầm tích biến chất hàng trăm triệu năm tuổi và bao bọc chung quanh bởi 2 nguồn nước mặn và ngọt. Từ đó, nơi đây một nguồn tài nguyên phong phú, một cảnh quan môi trường nền nã được hình thành, tuy nhiên trong những năm qua, những giá trị ấy hầu như chưa được khơi dậy. Việc nhận diện những giá trị nỗi trội, tài sản cộng đồng hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, ngoài những gì từ thiên nhiên, văn hóa, các đóng góp từ cộng đồng cũng cần được tổng hợp và khôi phục nhân rộng. Thông qua việc rà soát hoạt động đóng góp, nỗ lực bảo tồn tại địa phương trước đây, báo cáo đã kiến nghị các giải pháp bảo tồn và phát triển tiềm năng phục vụ cải thiện sinh kế người dân, kinh tế xã hội Tam Hải, Núi Thành.

1. Nhu cầu bảo tồn

Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với diện tích 455,75 ha, dân số 1.887 hộ, khoảng 8.500 nhân khẩu là một xã nghề cá ven biển nằm tách biệt với đất liền, bao bọc xung quanh là biển và sông Trường Giang, thông qua 2 cửa sông là Cửa Lở ở phía Bắc và cửa An Hòa ở phía Đông Nam thuộc vũng An Hòa.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, xã đảo Tam Hải hiện đang sở hữu một vùng biển có hơn 90 ha rạn san hô, với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như cá hồng, cá mú, cá lượng, cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi và nhiều loài ốc đẹp. Một số loài thuỷ sinh có thể dùng làm dược liệu. Tổng số các loài này được ghi nhận còn nhiều hơn so với quần đảo Cù Lao Chàm, nơi có một Khu bảo tồn biển mang cùng tên. Đặc biệt, các rạn san hô tại xã đảo Tam Hải còn nuôi dưỡng một nguồn giống quan trọng cho vùng biển này. Hằng năm, người ngư dân Tam Hải thu hoạch hàng vạn cá thể tôm hùm giống, cung cấp đến các vựa nuôi trồng thuỷ sản tại các tỉnh phương nam. Các loài rong biển trong vùng nước Tam Hải không những tạo môi trường sống, bãi đẻ, nơi trú ẩn, nuôi dưỡng con non cho các loài tôm, cá, cua, ghẹ…mà hàng năm còn cung cấp cho cộng đồng ngư dân của xã một nguồn sinh khối đáng kể, mang lại một nguồn thu lớn cho các hộ gia đình thông qua việc thu hoạch rong mơ và một số loài thực vật khác. Rừng ngập mặn Tam Hải cùng với các xã khác của huyện Núi Thành đã tạo nên một diện tích trước đây rộng khoảng trên 220 ha, tuy nhiên chỉ còn lại khoảng 63 ha (năm 1997) và hiện nay khoảng 10 ha, do phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, rừng ngập mặn đã bị người dân chặt phá làm muối, đào đắp ao nuôi tôm. Hơn 90% người ngư dân Tam Hải với khoảng 200 tàu thuyền đánh bắt công suất nhỏ, sống dựa vào nghề biển ven bờ, khai thác giá trị trực tiếp từ hệ sinh thái rạn san hô, quần cư rong mơ, bãi biển đem lại. Chỉ tính riêng nguồn lợi tôm hùm giống khai thác từ các rạn san hô, hàng năm người dân thu được hàng chục tỷ đồng, cùng với khoảng 200 tấn rong mơ mỗi ngày khi đến mùa. Tuy nhiên, do áp lực của sự phát triển kinh tế trong khu vực, sự gia tăng dân số và nhu cầu đời sống của người dân ven biển, mà trong nhiều năm qua hệ sinh thái rạn san hô khu vực Tam Hải, ngày càng đứng trước những đe doạ nặng nề của việc khai thác nguồn lợi thiếu kiểm soát, giẫm, đạp lên san hô, đánh bắt các cá thể chưa trưởng thành, chưa đến mùa vụ, ô nhiễm rác thải, và nước thải.

Để giảm bớt các rủi ro ngày càng đè nặng lên khu hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, ngay từ những ngày đầu của năm 2003, cộng đồng Tam Hải đã cộng tác với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển (MCD) tuyên truyền vận động bà con ngư dân tham gia hoạt động tìm hiểu giá trị của rạn san hô, làm sạch bãi biển, thành lập các tổ hạt nhân tuần tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong khai thác, đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản tại địa phương.

Thời gian từ năm 2006 đến 2008, người ngư dân địa phương và đặc biệt là nhóm hạt nhân đã cộng tác với các nhà khoa học của Viện Hải Dương Học Nha Trang trồng phục hồi được 1.300 tập đoàn san hô trên 120 giá thể nhân tạo và bề mặt nền đá gốc, tại sườn Đông Nam đảo Hòn Dứa, ở độ sâu 2-6m trong diện tích 500m2 mặt nước, có vùng đệm bảo vệ là 5 ha. Từ 2009 đến những năm gần đây, cộng đồng xã đảo Tam Hải đã cùng với Hội Phụ nữ huyện Núi Thành thực hiện Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương, theo sự hợp tác hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu.

Hình 1: Truyền thông Khu Bảo vệ Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải

Hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải được khởi đầu từ thôn Thuận An, nơi các xóm chài được bao bọc bởi những bãi cát và vách đá xen kẻ nhau kết liền với những rạn san hô theo chiều dài 4 km bờ biển, và hơn 364 hộ gia đình với 1.426 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu từ khai thác, đánh bắt hải sản trong rạn và vùng biển ven bờ. Một lần nữa cộng đồng đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và chia sẻ trách nhiệm giữa các bên liên quan đối với tài nguyên và môi trường biển, đảo của địa phương; tham dự hội thảo, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại các khu bảo tồn biển Nha Trang, Rạn Trào, Cù Lao Chàm. Đặc biệt, trên cơ sở kế thừa và phát triển các kết quả đạt được từ các nỗ lực trước đây mà cộng đồng đã cộng tác tích cực trong các hoạt động với MCD và Viện Hải Dương Học Nha Trang, bà con ngư dân thôn Thuận An đã thảo luận, xây dựng quy hoạch phân vùng và cam kết quy chế quản lý khu bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải. Đồng thời, người dân đã bầu chọn các tổ cộng đồng bao gồm tổ tuần tra giám sát rạn san hô, tổ du lịch sinh thái, tổ thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ nhiệt tình của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), cộng đồng đã trang bị một số các cơ sở vật chất như tàu tuần tra, giám sát, nhà du lịch cộng đồng, thúng đáy kính, áo phao, đồ lặn, bảng hiệu...và một số vốn vay chuyển đổi sinh kế cho các chị em phụ nữ nghèo khai thác trong vùng rạn, nhằm tăng cường cho các hoạt động bảo vệ và khai thác hợp lý khu hệ sinh thái rạn san hô này.

Hình 2: Phạm vi Khu Bảo vệ Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải (GEF SGP - 2013).

Hoạt động bảo tồn đã thành lập được một khu bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô cấp cộng đồng với tổng diện tích 1.700 ha trong đó vùng lõi rộng 13,12 ha; vùng khai thác hợp lý 1.537 ha và vùng phát triển cộng đồng rộng 54,5 ha, vùng phát triển du lịch rộng 50 ha, phần còn lại bao gồm vùng Mũi Bàn Than, Hòn Dứa, Hòn Mang. Đồng thời đã xây dựng được quy chế hoạt động của khu bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô nhằm bảo vệ được các chủng loài mục tiêu như san hô, cỏ biển, rong biển và đặc biệt trong đó có vùng lõi và vùng khai thác hợp lý. Tại các vùng này, các quy định cụ thể nhằm giảm áp lực khai thác thông qua việc cấm và hạn chế các ngành nghề khai thác mang tính huỷ diệt, hoặc cấm thời vụ, hoặc cấm theo đối tượng khai thác. Hoạt động bảo tồn cũng đã hình thành được các tổ cộng đồng, trong đó có tổ vệ sinh môi trường làm hạt nhân trong việc quản lý rác thải tại địa phương, góp phần làm sạch rác thải trong thôn.

Rừng ngâp mặn là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với đời sống con người, tuy nhiên trong thời gian gần đây rừng ngập mặn đã và đang bị suy thoái một cách nhanh chóng. Rừng ngập mặn tại Quảng Nam mà cụ thể là tại Tam Hải, Núi Thành cũng không tránh khỏi những nguy cơ trầm trọng như vậy. Rừng ngập mặn ở Cồn Si (thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thuộc vũng An Hòa, nơi sinh sống của hơn 96 hộ gia đình trên vùng cồn cát bãi bồi cửa sông, là một trong những diện tích rừng đã và đang chịu tác động mạnh bởi áp lực phát triển kinh tế phục vụ nhu cầu của con người. Cây ngập mặn phân bố chủ yếu ven bờ phía Bắc và Đông Bắc của Cồn Si với chiều rộng ước tính khoảng từ 20 – 100 m, tổng diện tích có rừng còn lại vào khoảng hơn 10ha (Viện hải Dương học, 2010), tuy trên thực tế khảo sát chỉ còn 7,5 ha. Các loài ngập mặn chính thức phổ biến ở đây bao gồm: Mắm, Bần, Đước, Đưng, Sú, Vẹt, Cóc, Giá. Các nghiên cứu cũng đã xác định một số tác động gây suy thoái rừng ngập mặn tại đây như xây dựng khu dân cư, ao, đìa thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác quá mức, khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi. Một trong những biện pháp nhằm phục hồi lại tài nguyên và môi trường nói chung và rừng ngập mặn nói riêng là cần phải dựa vào cộng đồng, tuy nhiên để làm được việc này các sinh kế của người dân địa phương phụ thuộc vào rừng ngập mặn cần phải được cải thiện một cách bền vững.

Theo nhận xét của bà con sinh sống lâu năm tại Cồn Si, ngoại trừ cây Đưng được du nhập từ các tỉnh phía Nam trồng ở Cồn Si khoảng hơn 10 năm nay, các loài còn lại là những loài bản địa, tồn tại lâu đời tại khu vực này. Thông qua quan sát trên thực địa có thể dễ nhận thấy tất cả các loài kể trên vẫn có khả năng sinh trưởng tốt trên địa bàn này và đây là một trong những tiền đề quan trọng đặt cơ sở khôi phục và mở rộng thêm diện tích rừng ngập mặn.

Hoạt động bảo tồn đã giới thiệu hình thức du lịch sinh thái trên cơ sở bảo tồn vùng rạn san hô và rừng ngập mặn đến cộng đồng, hỗ trợ vốn vay cho 20 hộ gia đình nghèo khai thác nguồn lợi trong khu bảo vệ có điều kiện tiếp cận và tham gia một số sinh kế thay thế nhằm nâng cao thu nhập ngoài việc khai thác thủy sản. Dự án cũng đã tổ chức thử nghiệm các tour du lịch sinh thái thí điểm tại địa phương như chuyến tham quan của đoàn các dự án GEF SGP về Tam Hải cho cộng đồng học tập. Thông qua việc tham quan các mô hình bảo tồn và phát triển du lịch tại các khu bảo tồn biển như Hòn Mun, Cù Lao Chàm, Rạn Trào…cộng đồng đã bắt đầu tiếp cận các hình thức cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái cho người tham quan đến địa phương.

2. Bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập Tam Hải

Mặc dù, Tam Hải đã có một thời gian tiếp cận, thực hiện và nhiều nỗ lực về các hoạt động bảo tồn tài nguyên biển tại địa phương, tuy nhiên trong thời gian qua, Tam Hải chưa đề cập đến các dịch vụ của hệ sinh thái mang lại cho con người, như chất lượng nguồn nước, điều hòa khí hậu, vùng giống, nơi ở, nuôi con non, chống xói lở, bãi đẻ, duy trì nguồn lợi, tạo cảnh quan. Tam Hải cũng chưa đề cập đến chức năng cung cấp thông qua cấu trúc hệ sinh thái, như các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, vùng cửa sông, bãi biển, rừng phòng hộ ven biển. Trong khi cấu trúc hệ sinh thái là nền tảng của sự hình thành các chức năng dịch vụ của hệ sinh thái và là tiền đề của các lợi ích mà hệ sinh thái mang lại cho con người. Một khi cấu trúc hệ sinh thái bị phá vở thì phải mất hàng chục hoặc trăm năm mới gầy dựng lại được, đôi khi mất vĩnh viễn như rừng ngập mặn bị san lấp, rạn san hô bị chết, bãi biển làm nơi chôn rác thải. Hiện nay cấu trúc hệ sinh thái và sức khỏe hệ sinh thái như rạn san hô, thàm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi biển, vùng cửa sông Tam Hải đã và đang bị uy hiếp, tổn thương. Tam Hải có thể nhận thấy điều này một cách dễ dàng qua quan sát, qua các kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng môi trường và đa dạng sinh học.

Hình 3: Khai thác hủy diệt (lưới lồng) trong rừng ngập mặn Tam Hải

Vì vậy không phải là quá muộn mà cũng không phải là quá sớm để thảo luận và có giải pháp hành động vì sự phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường tại Tam Hải; tuy nhiên cũng sẽ là quá trễ nếu Tam Hải không hành động bây giờ vì các tác động bao giờ cũng mang tính tích lũy, thông qua các sự cố (shock) và ảnh hưởng diễn biến (stress). Một hệ sinh thái khỏe mạnh thông thường thể hiện rõ 4 chức năng cơ bản bao gồm chức năng hỗ trợ, cung cấp, điều hòa và duy trì các giá trị văn hóa. Trên cơ sở các chức năng này, các hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ sinh thái và thông qua đó, con người được thừa hưởng các lợi ích từ thiên nhiên mang lại phục vụ cho đời sống của mình. Trong quá trình phát triển, con người xúc tiến các hoạt động kinh tế xã hội với không ít các hình thức khai thác, sử dụng các lợi ích thiên nhiên đó đáp ứng nhu cầu sống hằng ngày. Và cũng chính vì chỉ tập trung khai thác các lợi thế, thiếu đầu tư phục hồi, nên con người đã và đang ngày càng làm tổn thương cạn kiệt nguồn lực tài nguyên, mà đáng lý ra chúng ta được và sẽ được hưởng lớn hơn rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần phải có một cách tiếp cận phù hợp, ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Một trong những định hướng đó là đã đến lúc con người phải hợp tác lại, cùng đồng hành trong quản lý và bảo vệ thiên nhiên. Để đảm bảo cho phát triển bền vững tại Tam Hải, sức khỏe các hệ sinh thái đặc trưng tại vùng này bao gồm rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, vùng cửa sông cần phải được quan tâm theo những hành động cụ thể từ việc xây dựng khu bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn Tam Hải. Phần này chúng ta cần nhanh chóng phục hồi lại những kiến thức, kinh nghiệm, phong trào mà Tam Hải đã từng được hỗ trợ, phát động và tiến hành trong thời gian trước đây.

(còn tiếp)

Chu Mạnh Trinh - Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

A PHP Error was encountered

Severity: Notice

Message: Undefined property: stdClass::$listPic

Filename: inc/album.php

Line Number: 92

Backtrace:

File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/full/2017/inc/album.php
Line: 92
Function: _error_handler

File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/full/2017/home.php
Line: 160
Function: view

File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/index.php
Line: 2
Function: view

File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/web/application/controllers/News.php
Line: 1117
Function: view

File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/web/application/controllers/News.php
Line: 652
Function: loadView

File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/index.php
Line: 315
Function: require_once