Thế kỷ 21 – thế kỷ của “thế giới phẳng” đang đòi hỏi phải xây dựng những hình mẫu nhân cách của công dân toàn cầu, trong hình mẫu đó có dấu ấn rõ nét về đạo đức môi trường.
Đạo đức môi trường là gì?
Quản Trọng – một triết gia Trung Hoa cổ đại có viết: “Nhất niên thụ cốc / Thập niên thụ mộc/ Bách niên thụ nhân / Thiên niên thụ đức”. Nghĩa là, với kế 1 năm thì trồng cây lương thực, với kế 10 năm thì trồng cây xanh, với kế 100 năm thì chăm lo giáo dục và với kế ngàn năm thì quan tâm đến đạo đức. Đạo đức (ethics) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp ethos, được hiểu là những đức tin, đức độ, chuẩn mực dẫn dắt cách ứng xử của con người thành như một thói quen.
Bản chất của con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội (K.Mác), điều đó không có nghĩa là con người không có các mối quan hệ với tự nhiên, vì con người chính là một thực thể tự nhiên, một thực thể sinh học.
Nếu như những đức tin, thái độ, chuẩn mực điều chỉnh các mối quan hệ xã hội giữa con người với con người gọi là “Đạo đức xã hội”, thì những đức tin, thái độ, chuẩn mực điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gọi là “Đạo đức môi trường”.
Như vậy, đạo đức môi trường (Environmental Ethics) chứa đựng những chuẩn mực điều chỉnh ý thức, thống lĩnh hành vi của con người đối với tự nhiên.
Đạo đức môi trường trong tiến trình lịch sử loài người
Mỗi xã hội có một chuẩn mực đạo đức riêng, kể cả đạo đức xã hội và đạo đức môi trường. Từ xa xưa, người Phương Đông đã thể hiện đạo đức môi trường như một triết lý sống hài hoà với thiên nhiên: “Thiên – nhân hợp nhất”; ở phương Tây, từ lâu người Thuỵ Sỹ đã đề cập đến đạo đức môi trường bằng câu hỏi: Tôi sẽ làm gì và tôi sẽ là loại người nào đối với thiên nhiên?
Nhưng xét trên tổng thể cả lịch sử loài người thì có thể phân chia thành 2 luồng: “nhận thức xanh nhạt” (light green) và “nhận thức xanh đậm” (dark green). Trong đó, luồng “nhận thức xanh nhạt” coi việc khai thác bằng mọi giá môi trường tự nhiên như một lẽ thường tình, vì họ cho rằng tự nhiên chỉ là thứ vô tri, vô giác. Luồng thứ hai coi con người và tự nhiên là một tổng thể của sự sống, không thể tách rời giữa chất lượng môi trường, Trái đất với sức khỏe của nhân loại.
Luồng “xanh nhạt” có nguồn gốc từ cổ xưa nhất, kể cả từ khi chưa xuất hiện loại ngừơi trên hành tinh. Có lẽ, tất cả các sinh vật đều có chung một tính cách là cố gắng xâm chiếm môi trường xung quanh để biến thành của riêng mình, của cộng đồng hoặc con cháu, hậu duệ của mình.
Con người chúng ta là một sinh vật (mặc dù là “sinh vật bậc cao”) cũng không nằm ngoài tính cách chung đó và coi việc khai thác tài nguyên để làm giàu như một lẽ đương nhiên. Chính điều này đã mang lại sự thịnh vượng và văn minh cho tất cả loài người từ bao nhiêu thế kỷ trước.
Tuy vậy, đến ngày nay, khi mà hiểm hoạ từ sự khai thác, triệt phá thiên nhiên từ con người đang ngày một đe doạ chính sự tồn vong của Trái đất, thì vấn đề đạo đức môi trường được quan tâm trên toàn thế giới. Đạo đức môi trường xây dựng trên cơ sở luồng nhận thức “xanh đậm”.
Nền tảng của “Đạo đức môi trường” hay nói cách khác đạo đức vì sự phát triển bền vững, là Giả thuyết Gaia do tác giả James Lovelock đề xuất năm 1970. Theo đó, mọi sinh vật trên trái đất và môi trường xung quanh đều có tác động qua lại như một cơ thể sống theo cơ chế tự điều chỉnh. Giữa con người và môi trường luôn phụ thuộc lẫn nhau và là một bộ phận của một “hệ thống – sự sống tổng thể”.
Giả thuyết Gaia (nhận thức xanh đậm) cho rằng: Tài nguyên trên trái đất là hữu hạn (trong khi trước đây cho là vô hạn) – Phải tái chế và ưu tiên sử dụng tài nguyên tái tạo được (trước đây cho là hết chỗ này thì tìm ở chỗ khác) – “Chi phí trong” của một dự án không quan trọng và không tốn kém bằng “chi phí ngoài” (trước đây chưa quan tâm đến chi phí ngoài) – con người phải hợp tác với thiên nhiên (trước đây cho rằng con người phải chinh phục thiên nhiên) – Muốn giải quyết vấn đề về môi trường phải có sự tham gia của đạo đức (trước đây cho rằng công nghệ sẽ giải quyết được vấn đề môi trường hiện nay)…
Và các nguyên tắc xây dựng đạo đức môi trường trong thế kỷ 21
Thứ nhất, luôn luôn nhận thức sâu sắc rằng, con người chúng ta là một thực thể không thể tách rời của giới tự nhiên và là một khâu quan trọng nhất trong hệ thống: Tự nhiên – con người – Xã hội. Như vậy, đạo đức môi trường không những đòi hỏi bản thân mỗi người phải biết tôn trọng môi trường tự nhiên mà còn phải biết đấu tranh chống lại các quan niệm lạc hậu cho rằng con người là tất cả, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” và môi trường tự nhiên chỉ là vô tri vô giác, từ đó, con người phải biết đấu tranh với các biểu hiện xâm hại đến môi trường.
Thứ hai, biết khai thác các giá trị sử dụng của giới tự nhiên một cách hợp lý, khoa học để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo đảm sự thống nhất và tính toàn vẹn của môi trường. Người có đạo đức môi trường không chỉ không tham gia phá rừng, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, săn bắt động vật hoang dã…, mà còn phải biết đấu tranh chống lại, kiên quyết không tiếp tay cho những hành vi sai trái đó.
Thứ ba, coi trái đất là mái nhà chung. Mọi người có quyền bình đẳng sống trên trái đất với 4 thành phần cơ bản của môi trường là thạch quyển (lithosphere), thuỷ quyển (hydrosphere), khí quyển (atmosphere) và sinh quyển (biosphere). Đạo đức môi trường xây dựng trên cơ sở mỗi người, mỗi địa phương và mỗi cộng đồng, quốc gia biết chia sẻ cả lợi ích và trách nhiệm đối với môi trường.
Thứ tư, mỗi người phải rèn luyện phong cách sống thân thiện với môi trường, hài hoà với thiên nhiên. Biết hoà mình vào thiên nhiên, cây xanh; thay việc sử dụng thuốc trừ sâu bằng cách nuôi các loài thiên địch của sâu bọ; quý trọng và tiết kiệm khi sử dụng điện, nước; biết làm ra của cải vật chất bằng cách tái chế rác thải, phế liệu như sản xuất phân bón từ rác hữu cơ, làm lò Biogas từ phân gia súc…
Thứ năm, muốn giữ được đạo đức môi trường, mỗi người, mỗi tổ chức cần phải có kỹ năng về bảo vệ môi trường.
Hãy cứu lấy trái đất của chúng ta không chỉ bằng pháp luật (pháp trị) mà phải bằng tất cả trái tim, khối óc của con người (đức trị). Thế kỷ 21, thế kỷ của “thế giới phẳng” đang đòi hỏi phải xây dựng những hình mẫu nhân cách của công dân toàn cầu, trong hình mẫu đó phải có dấu ấn rõ nét về đạo đức môi trường.
Theo TH.S Bùi Đức Tú (VUSTA.VN)
A PHP Error was encountered
Severity: Notice
Message: Undefined property: stdClass::$listPic
Filename: inc/album.php
Line Number: 92
Backtrace:
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/full/2017/inc/album.php
Line: 92
Function: _error_handler
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/full/2017/home.php
Line: 160
Function: view
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/index.php
Line: 2
Function: view
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/web/application/controllers/News.php
Line: 1117
Function: view
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/web/application/controllers/News.php
Line: 652
Function: loadView
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/index.php
Line: 315
Function: require_once