Cà Mau - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có thế mạnh về nông - lâm nghiệp dồi dào, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là khai thác tiềm năng du lịch từ rừng tràm U Minh Hạ.
Rừng tràm U Minh Hạ trải dài 3 huyện là U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Đây là một hệ sinh thái rừng ngập nước đặc biệt phong phú và đa dạng về chủng loài động - thực vật mà đa phần được hình thành bởi những cây tràm mọc san sát nhau, đan xen là những dây leo tầm gởi hoang dại sống bám trên thân tràm.
Rừng tràm U Minh Hạ còn là chứng nhân của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ để bảo vệ đất nước. Dù cho bom đạn có tàn phá, rừng tràm vẫn vươn mình phủ xanh mang lại nguồn sinh thái trù phú, phục vụ cho con người. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng đất nước đến nay, rừng tràm U Minh Hạ đã trải qua nhiều thăng trầm và diện tích ngày càng bị thu hẹp do nạn cháy rừng.
Để bảo tồn nguồn gen quý hiếm, ngày 20/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Vườn quốc gia U Minh Hạ trên cơ sở sát nhập Ban quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi và Lâm ngư trường U Minh III cùng với một số vùng phụ cận để làm vùng đệm với tổng diện tích 8.286ha. Trụ sở chính của Vườn quốc gia U Minh Hạ được đặt tại Vồ Dơi - hiện nơi đây có 3.200 ha rừng đặc dụng nguyên sinh với nhiều loài động- thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn như: trăn, rắn, rùa, trúc, nai, heo rừng, rái cá chân đỏ... Có thể nói rừng đặc dụng Vồ Dơi là một hệ sinh thái đặc trưng và tiêu biểu nhất của rừng U Minh Hạ.
Vườn quốc gia U Minh Hạ cách thành phố Cà Mau khoảng 30km về hướng tây -nam và điểm đặc biệt hấp dẫn là nó nằm ở đoạn giữa từ Cà Mau đi khu du lịch Đá Bạc, lại có đường nhựa xe ô tô đi được và một điểm đặc biệt khác là ở tại Vồ Dơi - trung tâm của Vườn quốc gia U Minh Hạ có một đoạn đường nhựa dài hơn 4km xuyên giữa rừng để phục vụ cho phòng chống cháy, rất thuận lợi cho khách tham quan, du lịch.
Khi người dân làm du lịch hiệu quả từ rừng
Nhắc đến du lịch sinh thái rừng tràm, phải kể đến mô hình của anh Trần Trung Quốc, quê ở Đầm Dơi nhưng thành công trên đất rừng U Minh Hạ. Đầu năm 2001, anh cải tạo lại diện tích đất trồng tràm của mình, chọn thả nuôi các loại sản vật vốn đặc thù của rừng U Minh như: cá lóc, cá rô, lươn, rắn, rùa... Không bao lâu sau, cò, khỉ… lũ lượt kéo về trú ngụ. Từ một dịch vụ du lịch nhỏ với vài cây xoài, cây mận và vài bàn phục vụ cho ít ỏi khách tham quan, anh cho xây thêm gần chục nhà mát, trồng nhiều loại cây ăn trái, cải tiến mô hình du lịch. Nhờ thế, khu du lịch của anh thu hút ngày càng đông du khách trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn đến tham quan vào mỗi dịp cuối tuần hay lễ, tết. Đến đây, du khách có thể câu cá, đặt lọp, thưởng thức những món ăn đặc sản, dạo quanh dưới những hàng cây ăn trái sum sê trĩu quả, lắng nghe tiếng chim rừng ríu rít xa xa, thả hồn vào hương tràm bát ngát... có những khoảnh khắc thư giãn tuyệt vời.
Hiện tại, khu du lịch sinh thái của anh Quốc đang phát triển với quy mô rộng lớn. Tận dụng lợi thế từ rừng tràm, cộng với ý tưởng táo bạo và độc đáo trong việc đầu tư làm du lịch, anh đã tạo được thương hiệu riêng cho khu du lịch sinh thái của mình.
Một điểm du lịch hấp dẫn nữa ở rừng tràm U Minh Hạ là Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm của anh Lê Văn Quạ, có tổng diện tích 110ha. Nơi đây sưu tập và phát triển nhiều loại động thực vật đặc trưng của rừng tràm, đặc biệt là nuôi dưỡng các loài động thực vật hệ sinh thái ngọt, trồng và bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, khai thác chế biến lâm sản, đồng thời kinh doanh các sản phẩm lâm-ngư-nông nghiệp trong lâm phần được giao.
Anh Lê Văn Quạ cho biết: “Du khách đến đây ai cũng thích thú với rừng. Bởi họ đã nghe nói nhiều về rừng tràm U Minh, về cái thời cha ông đến đây khai hoang, mở cõi, bây giờ mới có dịp thưởng ngoạn”.
Tuy không đầu tư vườn cây ăn trái như mô hình của anh Quốc, nhưng dịch vụ du lịch của gia đình anh Quạ cũng không kém phần hấp dẫn. Đặc biệt, đến đây, du khách có thể xuyên rừng bằng đường bê-tông thông thoáng, được thưởng thức những món ăn đặc sản của xứ rừng như: rắn, rùa, lươn, cá đồng… do chính người dân dùng lọp, lờ vào rừng bắt. Xung quanh khu du lịch là những chòi lá xinh xinh, điểm dừng chân lý thú cho du khách khi mỏi mệt.
Cần thiết sự định hướng và đầu tư của Nhà nước
Các loại hình du lịch sinh thái hiện nay đang rất hấp dẫn du khách ở xa muốn tìm đến vùng đất Cà Mau chót cùng Tổ quốc. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch từ rừng mới chỉ do một vài người dân làm riêng lẻ, chưa được sự định hướng và đầu tư đúng mức từ phía Nhà nước, việc quảng bá du lịch của tỉnh chưa đạt hiệu quả, chưa thật sự gắn kết giữa thưởng ngoạn du lịch với nghiên cứu khoa học nên những khu du lịch sinh thái hiện nay chưa phát huy hết tiềm năng.
Trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tỉnh sớm lập dự án bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia U Minh Hạ để đưa ngành du lịch thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của Cà Mau.
Nếu được đầu tư đúng mức và xứng tầm thì Vườn quốc gia U Minh Hạ và Hòn Đá Bạc sẽ là một tour du lịch cùng tuyến cực kỳ thuận lợi và hấp dẫn. Du khách có thể đến Hòn Đá Bạc tắm biển, thưởng thức đặc sản biển rồi ghé lại Vườn quốc gia U Minh Hạ trên đường trở về để tận hưởng hương rừng, thưởng thức mật ong và các loại cá đồng... Một tour du lịch ngắm rừng, ngắm biển theo đúng nghĩa của nó, có gì tuyệt vời hơn.
A PHP Error was encountered
Severity: Notice
Message: Undefined property: stdClass::$listPic
Filename: inc/album.php
Line Number: 92
Backtrace:
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/full/2017/inc/album.php
Line: 92
Function: _error_handler
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/full/2017/home.php
Line: 160
Function: view
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/templates/index.php
Line: 2
Function: view
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/web/application/controllers/News.php
Line: 1117
Function: view
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/web/application/controllers/News.php
Line: 652
Function: loadView
File: /var/www/vhosts/moitruongdulich.vn/httpdocs/index.php
Line: 315
Function: require_once