Để phong trào chống rác thải nhựa đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực này, góp phần bảo vệ môi trường.
Khách quốc tế được phát túi giấy thay thế túi ni lông khi lên đảo Cô Tô. (Ảnh: Quang Thọ)
Hiện nay, phong trào chống rác thải nhựa đang được phát động và thực hiện mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc, hướng đến tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần... Song, để phong trào này đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, cần có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, chống rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, mà còn có thể dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng". |
Nhận thức được điều này, phong trào tái chế, "nói không" với rác thải nhựa, túi ni lông đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương... tích cực hưởng ứng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), các chủ tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, chợ... được vận động mua các đồ dùng, như làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông. Du khách tại bến tàu Cái Rồng sẽ nhận túi giấy, túi ni lông thân thiện môi trường miễn phí trước khi ra đảo Cô Tô.
Với sự chung tay của cả cộng đồng, người dân và du khách Cô Tô từng bước thay đổi tư duy, bỏ thói quen dùng túi ni lông, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn... Ðây là một trong những hoạt động tích cực của chính quyền và người dân nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh đẹp về Cô Tô trong mắt du khách, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Tại phường Khương Ðình (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), hình ảnh các hội viên phụ nữ quét dọn, vệ sinh môi trường khắp các ngõ, phố vào sáng thứ bảy hằng tuần đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây...
Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Khương Ðình, bà Vũ Thanh Thúy cho biết, Hội đã triển khai nhiều mô hình vệ sinh môi trường, phòng, chống rác thải nhựa tại địa phương. Mô hình gây quỹ từ nguồn thu gom phế liệu và rác thải nhựa được các hội viên phụ nữ hưởng ứng.
"Hiện nay, Hội Phụ nữ phường Khương Ðình đang triển khai mô hình dùng vỏ bao xi-măng để thay thế túi ni-lông đựng rác. Chúng tôi sử dụng các vỏ bao xi-măng cũ của các gia đình đang xây dựng để đựng rác thải khi vệ sinh môi trường ngõ phố và tái sử dụng nhiều lần. Ðiều này vừa hạn chế sử dụng túi ni lông, vừa làm sạch ngõ, phố", bà Thúy chia sẻ.
Mới đây, tại siêu thị Tops Market The Garden (Hà Nội) đã diễn ra sự kiện "Ngày không túi ni lông" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng cùng chung tay bảo vệ môi trường. Nhân dịp này người tiêu dùng cũng được trải nghiệm mua sắm không túi ni lông với các sản phẩm rau bọc lá chuối, rau bọc giấy, khay làm từ bã mía, thưởng lãm các mô hình trang trí bắt mắt, thân thiện môi trường.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Central Retail, trong tháng 9/2022, chuỗi sự kiện "Ngày không túi ni lông" đã được tổ chức thành công tại các siêu thị Tops Market khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức người tiêu dùng ở khu vực phía nam về bảo vệ môi trường. Nhận thấy chương trình đầy ý nghĩa này có sức lan tỏa tốt, được người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ, Tập đoàn quyết định áp dụng ra khu vực miền bắc và Tops Market The Garden là siêu thị đầu tiên ở miền bắc áp dụng chương trình này.
Không chỉ có những tổ chức, hội, nhóm... nhiều cá nhân cũng góp phần không nhỏ, tạo nên những mô hình hay về bảo vệ môi trường.
Sáng chế các loại đồ chơi từ vỏ lon và chai nhựa đã qua sử dụng, anh Lưu Chung Nghĩa, xã Võng La (huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội) đã tạo nên bộ sưu tập hơn 1.000 sản phẩm là các con vật, robot... ngộ nghĩnh, phù hợp với trẻ em, để làm quà tặng người thân, bạn bè, cũng như trưng bày tại các triển lãm. Từ chỗ chỉ làm cho vui những lúc rảnh rỗi, đến nay, công việc tái chế, sáng tạo đồ chơi từ vỏ lon và chai nhựa đã trở thành thói quen của anh Nghĩa.
Hay nhóm "Dũng sĩ tái chế" được chị Cao Thị Sao Mai thành lập từ năm 2018 tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; đến nay, nhóm có khoảng 30 người, phần lớn là các sinh viên đến từ các trường đại học. Với mục đích tuyên truyền, đào tạo ra những "đại sứ" môi trường, góp phần lan tỏa lối sống xanh từ việc tái chế vỏ gói mì ăn liền, vỏ chai bia, quần áo cũ thành túi xách, bình hoa, đĩa, gối ôm... Bên cạnh đó, nhóm tổ chức thu gom, tái chế rác thải theo khả năng, liên kết với các tổ chức khác để tìm ra cách xử lý rác thải đạt hiệu quả cao nhất...
Thực tế cho thấy, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, phong trào chống rác thải nhựa đã có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, thói quen của người dân nói riêng và cộng đồng nói chung. Nhiều người đã thay đổi thói quen, "nói không" với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông trong cuộc sống thường ngày; sử dụng các loại sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường...
Mặc dù đạt được kết quả nhất định, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn một số khó khăn trong việc vận động người dân tham gia phong trào chống rác thải nhựa.
Trước hết, đó là thói quen sử dụng đồ nhựa, túi ni lông... đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, không dễ thay đổi trong "một sớm một chiều", nhất là khi việc sử dụng đồ nhựa, túi ni lông vừa tiện vừa rẻ. Trong khi đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi sinh học sử dụng một lần, túi vải, túi giấy trên thị trường chưa nhiều, giá lại cao.
Mặt khác, việc thực hiện phân loại, thu gom rác thải tại nguồn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt, nên việc triển khai các phong trào chống rác thải nhựa còn gặp rào cản…
Ðể đẩy mạnh hơn nữa các phong trào, mô hình chống rác thải nhựa, hướng tới cuộc sống "xanh", các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và cho vận chuyển đến nơi xử lý, tái chế theo quy định; thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi ni lông, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường, tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Mỗi một người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và các vật liệu bằng nhựa để cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình và toàn xã hội.
Hồng Minh