Với hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông ngày càng thu hút khách du lịch. Kỳ quan địa chất ở đây lộ ra theo mỗi bước chân, nhất là khu vực cụm thác Gia Long - Dray Sáp - Dray Nur, giáp ranh Đắk Lắk - Đắk Nông, đá nước hữu tình như đang kể câu chuyện kiến tạo triệu năm của xứ sở này.
Trong 3 cụm thác Gia Long - Đray Sáp - Dray Nur, thác Gia Long ở xa nhất về phía thượng nguồn. Khác với màu phù sa của sông Sê-rê-pok, thác Gia Long quanh năm trong xanh và trắng ngần bọt nước.
Nguyên nhân, ngoài dòng nước đổ xuống từ thượng nguồn sông Sê-rê-pok, những phần còn lại đều là nước ngầm chảy ra từ ruột núi...
Trong mùa nước cạn, lòng sông phía chân thác phô bày dấu tích kiến tạo địa chất đặc thù và sự xâm thực lâu dài của dòng sông.
Liền kề bên ầm ào náo động của thác... có những khoảng lặng như gương, xanh như ngọc bích
Vùng lõi công viên địa chất cho thấy đá bazan không chỉ có màu đen-xám, kết cấu lăng trụ, mà có muôn màu muôn vẻ.
Đi thuyền ngoạn cảnh địa chất Sê-rê-pok đang là sản phẩm du lịch rất hấp dẫn. Bến thuyền dẫn khách giống như một đại thụ đã hóa thạch, đổ từ vách núi chặn ngang lòng sông.
Sự dữ dội của những kỷ nguyên phun trào, xô đẩy, nung chảy và dội tắt... in dấu trên suốt hành trình dài...
Giữa thế giới "độc quyền" của bazan đen thẫm hoặc ngả vàng vì phong hóa, bỗng có những khối đá trắng muốt...
Bên bờ thác vẫn còn những trụ bê tông dở dang gần 1 thế kỷ, tương truyền là của một dự án du Lịch dang dở từ trước Cách mạng Tháng 8, khi nơi đây còn là rừng sâu núi thẳm.
Còn nay, du lịch thác - đá ở vùng lõi công viên địa chất toàn cầu, giáp ranh Đắk Lắk - Đắk Nông, đã là một sản phẩm đặc trưng, thu hút khách trong nước và quốc tế.
Còn với người dân 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, cụm thác Gia Long - Đray Sáp - Đray Nur, gần giống như một địa chỉ để về nguồn. Dù giữa mùa mưa ngầu đục phù sa, mọi người vẫn có thể trầm mình dưới những mạch thác trong vắt, lạ kỳ.
Đình Tuấn - Chân Lê