Vụng Đầm Môn
Trong đợt biển lùi vài chục ngàn năm trước, gió đã vun cát biển thành một cồn cát dài, nối đèo Cổ Mã với đảo Hòn Gốm. Từ đó, bán đảo Hòn Gốm hình thành, sừng sững như một bức thành đá và cát che chắn cho vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Bán đảo có dạng một quả bầu khổng lồ, với phần cổ bầu là dãy cồn cát trắng rộng chưa đầy 2km, nhưng dài khoảng 15 km, kéo dài từ đèo Cổ Mã trên quốc lộ 1A đến tận bãi Hòn Ngang. Cái trắng còn phủ tràn trên sườn phía đông của đảo Hòn Gốm.
Bụng quả bầu được bao tứ phía bởi các đảo lớn nhỏ, trong đó đáng kể nhất là Hòn Gốm, Hòn Lớn và Hòn Nhọn. Cao nhất là đỉnh Hòn Lớn 567m, trông xa như chiếc mũ chóp khổng lồ. Giữa bụng quả bầu là một vụng biển trong xanh với các bãi cát trắng mịn màng, các tầng đá bị sóng mài mòn tạo ra kỳ hình thù kỳ dị, đó là Đầm Môn - một danh thắng nổi tiếng của Khánh Hoà. Đầm Môn có dạng gần tròn, rộng khoảng 20 km2, là một vụng biển có nhiều nét rất độc đáo. Nước trong vụng luôn lặng sóng, ngay cả khi có gió bão. Vụng có độ sâu rất lớn, trung bình 20m, chỗ nông nhất cũng sâu 12m, đó là độ sâu lý tưởng cho một cảng biển nước sâu. Đáy vụng hầu như không có bùn và cũng hầu như không có san hô. Vụng thông với Vịnh Văn Phong ở phía Tây bằng lạch Cổ Cò dài 6km, còn gọi là Cửa Lớn, và thông ra biển ở phía Đông Nam bằng lạch Cửa Bé dài 10km. Chỗ hẹp nhất của hai con lạch tự nhiên này chưa đầy 1km. Thuỷ triều lên xuống hàng ngày đã tạo ra các dòng biển chảy xiết trong hai luồng lạch tự nhiên này, quét hết bùn lắng trong vụng ra biển.
Những kho vàng khổng lồ ở Đầm Môn
Những cọc móng đầu tiên của cảng Trung chuyển Quốc tế ở Đầm Môn
Có lẽ cát là nguồn tài nguyên được khai thác đầu tiên ở vùng Đầm Môn. Đây là loại cát trắng, có hàm lượng thạch anh cao và chứa nhiều quặng titan. Chỉ cần qua khâu sàng tuyển đơn giản là có thể tách cát thạch anh và quặng titan riêng rẽ. Đã hơn chục năm qua, tỉnh Khánh Hoà đã xây dựng và vận hành cảng Đầm Môn cho việc xuất khẩu cát.
Các nhà quy hoạch cảng biển đã tìm thấy ở Đầm Môn đủ các điều kiện tối ưu cho một khu cảng contenơ trung chuyển quốc tế. Theo tính toán có thể xây dựng ở Đầm Môn một bến cảng dài đến 60km. Với ưu thế về độ sâu, độ che chắn và vị trí địa lí hàng hải, nhiều tập đoàn vận chuyển xăng dầu thế giới đang hy vọng sẽ sớm có một hệ thống cảng trung chuyển dầu cho khu vực được xây dựng ở đây. Những cọc móng thếp đầu tiên của khu cảng khổng lồ này đã được đóng xuống vụng biển xinh đẹp.
Khu du lịch Hòn Ông ở Đầm Môn
Đầm Môn cũng đã lọt vào con mắt tinh tường của nhiều chuyên gia du lịch quốc tế và Việt Nam. Trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến 2010, Đầm Môn đã được xác định ưu tiên phát triển thành một "khu du lịch biển có tầm cỡ khu vực và quốc tế". Đầu năm 2003, một con đường trải nhựa hai làn xe chạy ra Đầm Môn đã hoàn tất do Tổng Cục Du lịch đầu tư. Đây mới là giai đoạn đầu. Theo thiết kế, con đường này sẽ còn được mở cho bốn làn xe, rộng 25m với tốc độ thiết kế là 60km/giờ tốn khoảng gần 60 tỷ đồng. Hiện nay khách du lịch đã bắt đầu đến với Đầm Môn, những con tàu du lịch xinh xắn đã lướt sóng trên Đầm Môn. Khu du lịch đảo Hòn Ông ở giữa vụng đã đón khách từ chục năm qua, chủ yếu là khách nước ngoài.
Tuy nhiên, người dân xã Vạn Thạnh cũng không để Đầm Môn ngồi chờ dự án. Nhiều năm nay, hàng trăm nhà bè nuôi tôm hùm, cá mú trên mặt nước Đầm Môn đã làm cho Vạn Thạnh trở thành một "đại gia" trong nghề nuôi hải sản biển. Có năm bè nuôi quá dày gây ô nhiễm nặng khiến người dân Vạn Thạnh phải chuyển bớt một số bè nuôi vào cửa sông Cái Nha Trang.4
Nuôi thủy sản ở Đầm Môn
Với 20km2 mặt nước và cảnh quan tuyệt đẹp trên các đảo vây quanh, nhiều loại tài nguyên, Đầm Môn có nhiều thế mạnh cho phát triển. Thế nhưng cần phải làm gì để các lĩnh vực đối lập nhau này có thể chung sống tại Đầm Môn và tránh các xung đột môi trường? Đó là một bài toán khó giải vì có nhiều tham số.
Xung đột môi trường ở Đầm Môn đang chờ cơ hội bùng phát
Xung đột môi trường là hiện tượng xảy ra khi các ngành khác nhau cùng sử dụng một diện tích, một loại tài nguyên cho những mục tiêu phát triển khác nhau và vì thế đã gây hại cho nhau. Ở Đầm Môn có thể thấy rõ hoạt động cảng sẽ gây ô nhiễm nước, thiệt hại cho nghề nuôi thuỷ sản biển. Cả hai nghề này lại gây hại cho ngành du lịch vì làm xấu cảnh quan và ô nhiễm các bãi tắm... Phương cách để các ngành này chung sống với nhau và cùng phát triển là quản lý tổng hợp và hiệp thương giữa các ngành, chia sẻ không gian và lựa chọn quy mô phát triển thích hợp. Nếu mạnh ai nấy làm thì sẽ dẫn đến suy thoái môi trường, khó cải thiện và các ngành đều thiệt hại. Hiện tại vào mùa gió bắc, rác thải tràn ngập bãi tắm của khu du lịch Hòn Ông, thậm chí có ngày toàn bộ nhân viên của khu du lịch này được huy động thu gom rác vẫn không hết. Cảng trung chuyến Quôc tế thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á đã được khởi động và có vẻ đó là ưu tiên số 1 cho Đầm Môn. Tương lai của hoạt động du lịch và nuôi trồng thủy sản nhiều năm qua ở đây sẽ như thế nào, hình như vẫn đề này chưa được các nhà quản lý tính đến. Quy tắc “cùng tắc biến” lẽ nào sẽ vẫn đúng với Đầm Môn?