Là vùng đất ngập nước rộng, độ phủ xanh lớn nên hàng năm vào mùa chim di cư Xuân Thủy đón hàng trăm loài từ khắp nơi trên thế giới đến lưu trú, trong đó có những loài trong Sách Đỏ Việt Nam cũng như trên thế giới.
Thế nhưng, những năm qua, hàng chục ha rừng phi lao, sú vẹt ven biển thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, đã và đang bị biển xâm lấn nghiêm trọng.
Dưới đây là những hình ảnh mà chúng tôi ghi được tại vùng ven biển thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.
Hàng chục ha phi lao ven biển thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy bị chết đã làm giảm tỷ lệ phủ xanh của Vườn, đồng thời thu hẹp nơi cư trú, tìm kiếm thức ăn của các loài chim vốn là biểu tượng của Vườn.
Nguyên nhân phi lao chết hàng loạt trong những năm gần đây là do thủy triều dâng, xâm thực, gây sạt lở, xói mòn, đất cát nhiễm mặn…
Dọc cửa sông Hồng trên các cồn cát rất nhiều gốc cây phi lao bị sóng đánh bật dạt vào.
Những rặng phi lao xanh ngắt đang được thay thế bằng những cồn cát trải dài mênh mông, không ít cây phi lao sau khi chết đã bị người dân địa phương chặt về để làm cọc đóng chắn bờ đầm nuôi tôm, lều, chòi canh và làm củi đun…
Ngoài diện tích rừng cây phi lao giảm dần do biển xâm thực thì cây sú vẹt cũng chung cảnh ngộ, nước biển lên xuống liên tục đang khiến các vùng đất ngập nước ven biển thuộc Vườn bị bào mòn dần.
Cả một vạt rừng sú vẹt trước đây là nơi lưu trú của hàng ngàn con chim cũng đã bị biển “giết” chết, tạo nên một khung cảnh hoang tàn, xơ xác ven biển.
Du khách đến đây ngắm chim không khỏi chạnh lòng trước những cảnh tượng tan hoang này.
Ngoài ra tình trạng người dân xâm lấn các vùng đất ngập nước để lấy chỗ nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái nơi đây.