Những nơi nguy cơ biến mất tại châu Á
Cập nhật: 25/03/2011
Nguồn: marketingxanh.com
Tờ Newsweek vừa công bố danh sách 100 địa điểm nổi tiếng trên thế giới (như Everest, đảo quốc Maldives, Bangkok... tại châu Á) có nguy cơ biến mất do hiện tượng ấm lên toàn cầu và những biến đổi địa lý khác thường.
1. Bang Gujarat, Ấn Độ
Đây là một trong những nơi sản xuất muối và bông quan trọng nhất của Ấn Độ, đồng thời là quê hương của người sáng lập ra Ấn Độ Mahatma Gandhi. Năm 2005-2006, mưa lũ đã gây ngập nặng bang này, cướp đi mạng sống của hàng ngàn người. Dự báo Gandhi sẽ ngày càng hứng chịu thêm nhiều trận bão lũ bất thường do biến đổi khí hậu.
2. Đảo quốc Maldives
Maldives nằm ở Ấn Độ Dương, gồm có 1.200 đảo lớn nhỏ. Nơi này nổi tiếng với khung cảnh đẹp như tranh vẽ: những bãi biển trắng phau, rừng cọ bạt ngàn, những rặng san hô nhiều màu sắc và ánh nắng chan hòa.
80% diện tích Maldives cao hơn mực nước biển chưa đầy 1m. Nếu nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu, sớm muộn gì "thiên đường cảnh đẹp" này cũng sẽ bị đại dương nuốt chửng.
3. Bangkok, Thái Lan
Nằm ở vùng châu thổ Chao Phraya, Bangkok là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - giáo dục của Thái Lan. Do nằm ở vùng trũng nên nơi đây thường xuyên bị lũ lụt đe dọa khi mùa mưa đến.
Bên cạnh đó, do cấu tạo địa chất yếu, quá trình đô thị hóa quá mức và nạn khai thác nước ngầm bừa bãi, đất nền Bangkok hiện đang bị lún rất nhanh. Dự báo phần lớn thành phố này sẽ bị chìm dưới biển vào cuối thế kỷ này.
4. Cherrapunji, Ấn Độ
Cherrapunji nằm ở độ cao 1.290m so với mực nước biển, có lượng mưa hàng năm lớn nhất thế giới. Ngoại trừ thời gian từ tháng 3 đến tháng 10, bốn tháng còn lại ở nơi này thường khô khốc.
Ở Cherrapunji không có hồ trữ nước mưa. Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, xói mòn đất trồng, người dân khu vực này thường không có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô.
5. Quần đảo Komodo, Indonesia
Komodo nổi tiếng là nơi có vùng biển sạch và thế giới sinh vật biển nhiệt đới phong phú và là "thánh địa" của các thợ lặn khắp thế giới. Nó còn nổi tiếng với loài thằn lằn lớn nhất thế giới - Rồng Komodo.
Mực nước biển dâng cao hiện đang đe dọa đến sự tồn tại của rừng đước ven biển và các bãi biển. Trong khi đó hiện tượng axit hóa và nhiệt độ nước thay đổi có thể giết chết các rạn san hô quanh đảo.
6. Đầm lầy Kushiro, Nhật Bản
Nằm ở Hokkaido, Nhật Bản, đầm lầy Kushiro là nơi sinh sống của khoảng 1.200 con sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm trên thế giới. Tuy nhiên do sự xâm nhập quy mô lớn của con người và nước biển dâng, Kushiro bị thu nhỏ dần năm này qua năm khác, khiến không gian sống của sếu đầu đỏ cũng giảm đáng kể.
7. Sông Indus, Pakistan
Sông Indus bắt nguồn từ các sông băng ở Himalaya, dài hơn 3.000 km. Indus là nguồn dinh dưỡng cho nhiều khu rừng, làng mạc nằm dọc sông, trở thành nguồn thủy lợi cực kỳ quan trọng.
Các nhà khoa học dự báo sự sụt giảm các sông băng và lượng mưa thất thường có thể gây nên tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng tại địa phương.
8. Đảo Bernoe, Indonesia
Bernoe là đảo lớn thứ ba thế giới. Khoảng 50% diện tích đảo là các cánh rừng nguyên sinh, dưới những cánh rừng này là nơi sinh sống của rất nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Do nạn phá rừng bừa bãi, các khu rừng nhiệt đới trên đảo đang ngày càng bị thu hẹp. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng khiến nhiều quần thể thực vật tại đây bị tuyệt chủng. Nhiệt độ cao, không khí khô cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
9. Dãy Altai, Siberia
Nằm ở miền nam Siberia, dãy Altai là nơi có rất nhiều thảm thực vật vùng cao, từ thảo nguyên, thảo nguyên-rừng, rừng hỗn hợp, thực vật vùng phụ cận núi cao và thực vật vùng núi cao. Nơi đây còn có nhiều động vật quý hiếm như báo tuyết.
Từ cuối thế kỷ trước, nhiệt độ trong khu vực tiếp tục tăng và theo dự báo của các nhà nghiên cứu, tầng đất bị đóng băng có thể biến mất trong vài chục năm tới, đe dọa tới hệ sinh thái đa dạng độc nhất vô nhị nơi này.
10. Núi Qomolangma
Núi Qomolangma (thường được gọi là Everest) là núi cao nhất thế giới, cũng là "nhà" của rất nhiều động vật quý hiếm như báo tuyết, gấu trúc nhỏ...
Theo các nhà khoa học, khoảng 2/3 các sông băng ở đây đang tan chảy. Hiện tượng này có thể dẫn tới sự mở rộng nhanh chóng các hồ băng, gây ra thảm họa tự nhiên như lũ lụt, lở đất.