Hải đăng Kê Gà

Cập nhật: 26/09/2013
Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam
Nằm trên đảo Kê Gà, cách đất liền khoảng 300 mét, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, có một ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Đông Nam Á.

Đảo Kê Gà (còn gọi là Khe Gà), tục gọi là hòn Bà, rộng khoảng 5ha với hàng trăm cụm đá hoa cương khổng lồ, vàng rực, muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây hoa sứ (cây đại) cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

 

Những người gác đèn biển ở đảo Kê Gà kể lại rằng, vào những năm cuối thế kỉ XIX, đảo Kê Gà được coi là một vị trí cực kì hiểm yếu trên tuyến đường biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Nhiều tàu thuyền khi đi qua khu vực này thường bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài khi đi qua đây, năm 1897 người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng trên hòn đảo này một ngọn hải đăng lớn. Năm 1899 ngọn hải đăng được xây xong và đến năm 1900 thì được đưa vào sử dụng.

 


 

Với dáng đứng mạnh mẽ, hải đăng Kê Gà như khẳng định vị thế của một ngọn hải đăng cổ xưa và cao nhất Đông Nam Á.

 

Một mỏm đá nhô ra có hình đầu gà ở đảo Kê Gà.

 

Con đường dẫn đến ngọn hải đăng đi giữa hai hàng cây đại cổ thụ.

 

Cầu thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng.

 

 

Hải đăng Kê Gà do một viên kĩ sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ thân tháp xây bằng đá hoa cương, cao 35m, nếu tính cả chiều cao ngọn đồi, tức từ mặt biển lên đến đỉnh tháp là khoảng 65m. Điều đặc biệt là các khối đá dùng để xây tháp đèn được tính toán đẽo gọt vuông vắn chính xác theo từng vị trí. Vì vậy, khi xây dựng, người ta chỉ cần đặt từng viên đá theo đúng vị trí của nó và trát một lớp vữa là coi như xong mà không cần phải chỉnh sửa thêm gì nữa. Trên đỉnh tháp là một ngọn đèn biển công suất lớn có bán kính quét trên biển khoảng 22 hải lí, tức tương đương khoảng 40 km.

 

Bên trong lòng tháp có một cầu thang xoáy hình trôn ốc bằng thép gồm 183 bậc dẫn lên đỉnh hải đăng. Toàn bộ vật liệu làm chiếc cầu thang này cùng với chiếc máy phát điện và ngọn đèn biển trên đỉnh hải đăng đều được đưa từ Pháp sang.

 

Dưới chân tháp có một con đường bê tông chạy thẳng xuống chân đồi. Hai bên đường có hai hàng cây đại cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát do chính người Pháp trồng từ ngày khởi công xây dựng hải đăng Kê Gà.

 

Ngọn hải đăng 112 tuổi vẫn trường tồn với thời gian.

 

Cuộc sống thường nhật của người dân chài bên ngọn hải đăng.

 

Trải qua 112 năm, mặc cho phong ba bão táp và sóng gió của biển cả, ngọn hải đăng Kê Gà hầu như không hề bị hư hại gì và hai hàng cây đại ngày nào nay vẫn tỏa bóng mát, đến mùa lại nở hoa thơm ngát.

 

 

Ngày nay, đảo Kê Gà và ngọn hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận. Nếu vào những ngày đẹp trời, từ ngoài khơi xa, cách khoảng 10 km, các tàu thuyền qua lại vẫn có thể nhìn thấy ngọn hải đăng cổ có kiến trúc độc đáo này./.