Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vừa thả 9 cá thể động vật rừng về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Voọc gáy trắng tại Khu thả linh trưởng bán hoang dã núi đôi, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
Các cá thể động vật trên gồm: 1 cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học Macaca arctoides), 2 cá thể khỉ mốc (tên khoa học là Macaca assamensis), 4 cá thể rùa sa nhân (tên khoa học là Pyxidea mouhotii), 2 cá thể cầy vòi hương (tên khoa học là Paradoxurus hermaphrodites).
Ông Võ Văn Trí, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cho biết các cá thể được cứu hộ và thả lại môi trường tự nhiên đều là động vật quý hiếm. Khi được cứu hộ và thả lại vào môi trường tự nhiên, các cá thể này đã nhanh chóng thích ứng và hòa nhập vào môi trường.
Trước đó, trong tháng 1/2016, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng tiến hành thả 11 cá thể động vật hoang dã, gồm các loài như rùa, khỉ, cầy, trăn gấm…; trong đó, đáng chú ý có 1 cá thể khỉ mặt đỏ và 1 cá thể cầy vòi hương quý hiếm.
Theo thống kê, khoảng 3 năm trở lại đây, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã thực hiện cứu hộ thành công và thả lại vào môi trường tự nhiên nhiều cá thể động vật rừng, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng./.