I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hợp tác quốc tế về môi trường là một trong những nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được đề cập trong các các Luật Bảo vệ môi trường 1994, 2005, 2014 cũng như là giải pháp quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về môi trường. Trong hơn 20 năm qua, hợp tác quốc tế về môi trường đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho thành công chung của các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Qua mỗi giai đoạn phát triển, hợp tác quốc tế về môi trường có những phạm vi, đặc thù và hình thức khác nhau. Cụ thể là, trong những năm 1990, hợp tác quốc tế về môi trường chủ yếu được thực hiện qua các dự án hợp tác song phương với Thụy Điển, Canada với nội dung tập trung vào nâng cao năng lực xây dựng thể chế và hình thức là tiếp nhận viện trợ. Đến nay, hợp tác đã được mở rộng thông qua nhiều đối tác song phương (Đan Mạch, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc) cũng như hầu hết các tổ chức quốc tế đa phương (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, ASEAN). Nội dung hợp tác được đi vào chiều sâu, bao gồm hầu hết các lĩnh vực quản lý môi trường như đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo tồn đa dạng sinh học. Hình thức hợp tác được chuyển đổi từ tiếp nhận viện trợ sang quan hệ đối tác cùng hợp tác giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, hợp tác quốc tế về môi trường có những bối cảnh mới, đòi hỏi định hướng và giải pháp phù hợp. Bài viết này phân tích một số thuận lợi và thách thức của công tác hợp tác quốc tế về môi trường giai đoạn 2016-2020 và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
II. THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC CỦA HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 -2020
2.1 Thuận lợi
Thứ nhất, hội nhập quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về môi trường nói riêng luôn được coi là một nội dung và giải pháp quan trọng trong các chủ trương đường lối của Đảng và qui định của pháp luật. Về các vấn đề hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 22/NQ-TW về hội nhập quốc tế. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW. Về hợp tác quốc tế về môi trường, Nghị quyết 24/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 6 năm 2013 có giải pháp số 5: “Coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 có 3 điều, từ 156-158 Chương 17 qui định nội dung hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2020 có giải pháp “Thúc đẩy hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường”. Nhìn chung, các văn bản này đều nhấn mạnh hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường.
Thứ hai, Việt Nam có nhiều vấn đề môi trường có tính toàn cầu và khu vực, vì vậy nhận được nhiều quan tâm của quốc tế. Các vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực bao gồm: Đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, Biến đổi khí hậu đang ngày một hiện hữu, Ô nhiễm hóa chất và chất thải tiếp tục đe dọa hệ sinh thái và sức khỏe con người, Tiếp tục mất rừng và suy thoái đất, Tài nguyên nước và sức khỏe đại dương suy giảm. Các vấn đề môi trường này đều là vấn đề nóng ở Việt Nam và có tiềm năng là những chủ đề trọng tâm cho các dự án nghiên cứu điển hình cho thế giới.
Thứ ba, Việt Nam đã có kinh nghiệm và năng lực cơ bản cần thiết để thực hiện các dự án hợp tác quốc tế. Trong hơn hai thập kỷ qua, đã có nhiều dự án hợp tác quốc tế về môi trường được thực hiện bởi các các bộ ngành, địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Thông qua các dự án này, năng lực của cán bộ thực hiện dự án đã được xây dựng và củng cố. Ngoài ra, nhiều cán bộ, chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài đang công tác ở các cơ quan quản lý, nghiên cứu, viện trường cũng như tổ chức phi chính phủ có thể đảm đương vai trò thực hiện dự án. Nhiều chuyên gia trong nước có thể thực hiện các công việc tư vấn tương đương với các chuyên gia trong khu vực.
2.2 Thách thức
Mặc dù có những thuận lợi nêu trên, hợp tác quốc tế về môi trường giai đoạn 2016-2020 có những thách thức cụ thể sau.
Thứ nhất, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày một cao. Nếu như giai đoạn trước đây, vai trò của Việt Nam chủ yếu là nước nhận tài trợ và hỗ trợ thì trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam cần phát huy vị thế mới của một đối tác tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn mới này, các nội dung hợp tác không chỉ dừng lại ở mức nâng cao năng lực cơ bản mà đòi hỏi các vấn đề chuyên sâu hơn, có kết quả chính sách cụ thể hơn và cần huy động các nguồn đồng tài trợ lớn hơn trước đây. Ví dụ như trong lĩnh vực hóa chất và chất thải, ngoài các nội dung nâng cao năng lực quản lý, rà soát thể chế và chính sách, các yêu cầu của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đối với các đề xuất dự án đòi hỏi những kết quả cụ thể trong việc loại bỏ các hóa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và chất thải điện tử. Các đề xuất dự án tìm kiếm tài trợ từ GEF cũng đòi hỏi các tiếp cận cải tiến, có sự tham gia của khối tư nhân và có khả năng huy động đồng tài trợ ở mức khá cao là 1:6 (1 đô la từ GEF cần huy động 6 đô la từ các nguồn khác).
Thứ hai, nhận thức về hợp tác quốc tế về môi trường có nơi có lúc còn chưa thực sự đầy đủ. Còn quan điểm cho rằng vai trò của các đơn vị hợp tác quốc tế chỉ cần ở mức lễ tân và đáp ứng các giao dịch khi được các đối tác quốc tế yêu cầu. Một số khác còn có suy nghĩ theo hướng hợp tác quốc tế đơn thuần là tìm kiếm nguồn tài trợ và chỉ tham gia hợp tác khi nguồn tài trợ rõ ràng, cụ thể. Tư duy này phần nào cản trở phát triển tính chủ động và tính chiến lược trong một số hoạt động hợp tác quốc tế.
Thứ ba, đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho hợp tác quốc tế về môi trường còn hạn chế. Tổng kinh phí cho các đoàn ra tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Cụ thể là, kinh phí cho các đoàn ra dự họp các công ước, các nhóm công tác quốc tế về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi năm chỉ đủ cho khoảng 15 lượt đoàn trong khi nhu cầu là khoảng 30 đoàn một năm. Tương tự, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ và chuyên môn còn chưa được thực hiện thường xuyên.
III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường trong giai đoạn tới, cần quan tâm thực hiện một số việc sau:
3.1 Thay đổi tư duy về hợp tác quốc tế: chuyển từ quan niệm thụ động tiếp nhận viện trợ sang chủ động hội nhập, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi; thay đổi quan niệm hợp tác quốc tế chỉ đơn thuần là giao dịch, lễ tân sang vai trò là đầu mối xây dựng và phát triển các quan hệ hợp tác có chiều sâu chuyên môn.
3.2 Tăng cường đầu tư tài lực và nhân lực cho hợp tác quốc tế về môi trường: Đảm bảo kinh phí để tham gia đủ các hội nghị, hội thảo quốc tế về các công ước về môi trường, các khuôn khổ hợp tác trong khu vực; bố trí kinh phí để thực hiện các sáng kiến, các sự kiện do Việt Nam chủ trì; tăng cường đào tạo cho cán bộ hợp tác quốc tế; tiến tới cử đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế về môi trường.
3.3 Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế của ngành: xác định các định hướng hợp tác chiến lược, tập trung vào những vấn đề vừa giải quyết nhu cầu trong nước vừa đóng góp giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực, chú trọng những vấn đề mới mà Việt Nam có lợi thế.
Tóm lại, mặc dù có những thuận lợi về chủ trương, thành tựu của giai đoạn trước cũng như quan tâm của các đối tác phát triển, hợp tác quốc tế về môi trường giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi những nỗ lực đặc biệt nhằm vượt qua các thách thức, đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường trong giai đoạn mới, cần thay đổi quan điểm về hợp tác quốc tế, tăng cường đầu tư kinh phí và đào tạo cho hoạt động hợp tác quốc tế cũng như xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế với lộ trình thực hiện hợp lý.
TS Đỗ Nam Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường