Mối nguy hại với Sơn Trà và Voọc chà vá chân nâu không phải là du lịch mà là phát triển du lịch thiếu kiểm soát. Mỗi ngày, Sơn Trà đón hàng nghìn lượt khách du lịch, gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng và có thể thay đổi tập tính của Voọc. Khách du lịch mang theo thức ăn lên và để lại rác trên núi, đây là điều được cho là nguy hại lớn nhất với động vật hoang dã, thậm chí là dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cục bộ một khu rừng”, chị Lê Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) nói.
Tại sao Voọc chà vá chân nâu lại được xem là báu vật của Sơn Trà và trở thành hình ảnh đại diện cho đa dạng sinh học Đà Nẵng?
– Năm 2016, Voọc chà vá chân nâu đang được các nhà khoa học đề nghị đưa vào nhóm cực kỳ nguy cấp để có chính sách bảo vệ tốt hơn hiện tại (đang ở nhóm nguy cấp). Ý kiến này được đề xuất dựa trên rất nhiều yếu tố như số lượng cá thể Voọc chà vá chân nâu hiện còn rất ít. Khu vực phân bố của loài hạn chế, chỉ có ở Việt Nam, khu vực nam Lào, một số rất ít ở Campuchia nên khả năng bị tuyệt chủng cao.
Trong khi đó, Sơn Trà với 300 cá thể Voọc đang sinh sống, được xem là nơi duy nhất trên thế giới có điều kiện bảo tồn Voọc chà vá chân nâu bởi chúng ta có các lực lượng tuần tra, kiểm tra, người dân không có văn hóa săn bắt và sử dụng sản phẩm từ Voọc như ở các nơi khác. Như vậy, Sơn Trà đang giữ trong mình báu vật của thế giới chứ không phải của riêng Đà Nẵng hay Việt Nam.
Về hình ảnh đại diện cho đa dạng sinh học, Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng” linh trưởng bởi bộ lông ngũ sắc, có 98% ADN giống với con người, có cấu trúc gia đình, tập tính sinh hoạt gần giống với con người. Chính từ đó, chúng có những câu chuyện rất gần gũi để đưa đến cho người dân, thúc giục họ bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Mặt khác, Voọc chà vá chân nâu được xem là loài biểu thị cho vùng rừng nguyên sinh còn tốt. Tức là rừng Sơn Trà còn có thể phục hồi được. Vậy nên đây sẽ là hình ảnh tốt nhất để đại diện cho đa dạng sinh học của Đà Nẵng.
Nguy cơ bị “xóa sổ” của Voọc tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà hiện nay đang ở mức độ nào?
– Voọc ở Sơn Trà không bị săn bắt buôn bán, chúng bị đe dọa bởi Sơn Trà là một bán đảo cô lập, trong khi nơi đây đang bị áp lực bởi phát triển du lịch, phát triển kinh tế quá lớn. Các khu cơ sở hạ tầng mọc lên, mặc dù, việc phát triển này hoàn toàn chính đáng nhưng điều này sẽ làm thu hẹp diện tích sống của loài Voọc, khiến cho chúng hoặc phải thích nghi hoặc là tự tiêu diệt. Trong khi đó, đây không phải là loài có thể thích nghi cao như khỉ.
Theo chị, người dân Đà Nẵng và du khách đến TP đã hiểu đầy đủ về giá trị cũng như ý thức được việc bảo vệ loài đồng vật này chưa?
– Thực sự là chưa. Trước đây chúng ta đã từng có những nghiên cứu về loài động vật này trong nhiều năm, do các nhà khoa học, các tổ chức nước ngoài thực hiện, hình ảnh Voọc chà vá chân nâu cũng đã từng được tuyên truyền, tuy nhiên mức độ sâu rộng vẫn chưa có. Điều này khiến cho gần như mọi du khách đến Đà Nẵng đều không hề biết đến Voọc chà vá chân nâu.
Mới đây nhất trong cuộc khảo sát nhanh của trung tâm Green Việt khi thực hiện ở bảng nhà chờ xe buýt thì gần 90% người được hỏi đều không biết về Voọc trước khi xem hình ảnh trên các tấm pano.
Với khách du lịch nước ngoài, nhiều người đến từ Úc, Anh, Mỹ, họ biết về Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà và chọn Đà Nẵng để đến ngắm loài vật này. Còn lại với các khách du lịch khác kể cả trong và ngoài nước, họ gần như chỉ nhắm đến du lịch nghỉ dưỡng nên không biết về khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng như loài Voọc chà vá chân nâu.
Gần đây TP. Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ Voọc chà vá chân nâu, vậy những chương trình đó liệu đã đủ để mang lại hiệu quả hay chưa?
– Theo thông tin chúng tôi được biết, tháng 3 vừa qua Sở TNMT đã có văn bản kiến nghị UBND TP về việc tăng cường bảo vệ Voọc chà vá chân nâu. Sau các vụ việc xâm hại rừng 6 tháng đầu năm nay, UBND quận Sơn Trà cũng đã có những hành động siết chặt trong công tác quản lý. Cụ thể, các dự án giao khoán đất rừng cho người dân đang tạm dừng lại, 1.072ha được bàn giao lại cho quận Sơn Trà rà soát, kiểm tra rồi mới quyết định có giao lại cho những ai. Quận Sơn Trà cũng đã bắt đầu triển khai các hoạt động tuyên truyền, nhiều bảng thông tin được gắn ở các địa điểm du lịch, có các hoạt động tuần tra liên ngành.
Hiện đang có một đề xuất lập chốt thu vé với những người đi lên khu bảo tồn Sơn Trà. Làm như vậy chúng ta sẽ kiểm soát được lượng khách du lịch, phổ biến những quy định trên khu bảo tồn thiên nhiên được hay không được làm gì. Mối nguy hại với Sơn Trà và Voọc chà vá chân nâu không phải là du lịch mà là phát triển du lịch thiếu kiểm soát.
Có những ngày, Sơn Trà đón hàng nghìn lượt khách du lịch, số lượng đó quá lớn có thể gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng và có thể thay đổi tập tính của Voọc. Khách du lịch mang theo thức ăn lên và để lại rác trên núi, đây là điều được cho là nguy hại lớn nhất với động vật hoang dã. Bởi khi một con vật ăn thức ăn thừa, rác thải đó rồi nhiễm bệnh mà chết. Các con vật khác ăn xác của động vật kia cũng sẽ bị nhiễm bệnh và dẫn đến sự tuyệt chủng cục bộ cả một khu rừng. Nhiều người chưa nhận thức được điều này.
Tại Sơn Trà, hàng tháng Ban quản lý Sơn Trà tổ chức dọn rác tập thể với khoảng 100 – 200 người tham gia thì mỗi người có thể mang xuống 10kg rác thải không phân hủy được. Nói như vậy để thấy, để bảo vệ tốt loài này thì phải có sự phát triển đồng đều và song song giữa bảo tồn được Voọc và mục đích kinh tế.
Phát triển du lịch đang là ngành mũi nhọn của thành phố, vậy nhưng chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Một là biến Sơn Trà trở thành một khu vực bê tông hóa, thu lợi rất nhanh nhưng đổi lại là đánh mất đa dạng sinh học. Thứ hai là giữ lại khu vực đó một cách ổn định và thu hút du lịch theo hướng bền vững – phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.
Còn với mỗi người dân Đà Nẵng và du khách, họ cần phải làm gì để chung tay trong việc này?
– Với những người dân Đà Nẵng và du khách yêu quý Đà Nẵng thì bước đầu tiên cần làm là tìm hiểu thông tin về Sơn Trà, chỉ khi mỗi người dân biết được trong tay chúng ta đang có những gì, giá trị như thế nào thì họ mới hiểu cần phải bảo vệ.
Chúng ta đang có một khu rừng trong phố, gần như là duy nhất trên thế giới. Từ tài sản đó chúng ta có thể phát triển du lịch, kinh tế bền vững. Ví dụ như xung quanh bán đảo Sơn Trà có thể phát triển du lịch homestay, chúng ta có thể hoàn toàn hưởng lợi từ tài nguyên của mình.
Khi người dân có kiến thức nhất định về những giá trị mà mình có thì họ cũng sẽ có tiếng nói và giúp cho những quyết sách của thành phố đi đúng hướng trong tương lai.