Đà Nẵng: Nỗ lực làm sạch môi trường du lịch

Cập nhật: 11/07/2016
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra các đơn vị, cá nhân người nước ngoài nghi vấn hoạt động lữ hành, hướng dẫn trái phép trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên (HDV) Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép.

Quản lý hướng dẫn viên, nhất là với các đoàn khách quốc tế, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thời gian tới. Ảnh: THU HÀ

 

Ông Trần Chí Cường cho biết:

 

- Du lịch Đà Nẵng những năm gần đây có sự tăng trưởng vượt bậc, lần đầu tiên khách quốc tế đến Đà Nẵng vượt qua con số 1 triệu lượt khách trong năm 2015. Trong đó, 3 thị trường khách chính đến Đà Nẵng là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng cao.

 

Thị trường khách Trung Quốc năm 2015 dẫn đầu với 304.044 lượt khách; 6 tháng năm 2016 ước đạt 211.079 lượt khách, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Thị trường khách Hàn Quốc xếp thứ 2 trong top 10 thị trường quốc tế đến Đà Nẵng; năm 2015 xếp vị trí thứ 2 với 218.075 lượt khách; 6 tháng năm 2016 ước đạt 207.878 lượt khách, tăng 154,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Sự tăng trưởng “nóng” của các thị trường này đã dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý như thiếu nguồn nhân lực HDV của các thị trường này. Công tác quản lý HDV cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

 

* Vậy công tác quản lý HDV du lịch của thành phố Đà Nẵng nói chung và các HDV tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc nói riêng được thực hiện ra sao?

 

- Công tác quản lý HDV du lịch được thực hiện theo quy định tại Luật Du lịch. Sở Du lịch (gọi tắt là sở) kiểm tra các hồ sơ và cấp thẻ cho HDV (theo quy trình cải cách hành chính một cửa). Trong quá trình hoạt động của HDV, Sở tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các khu, điểm du lịch, phối hợp với các công ty lữ hành để kiểm soát hoạt động của HDV. Sở cũng đã có công văn gửi doanh nghiệp lữ hành về việc cung cấp danh sách HDV cơ hữu nhằm rà soát, nắm rõ nguồn HDV đang công tác tại đơn vị lữ hành quốc tế Đà Nẵng.

 

Với các thị trường thiếu HDV, Sở cũng đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời kiến nghị Tổng cục Du lịch bổ sung và cho cơ chế đặc thù đối với các thị trường này. Hằng năm, để nâng cao chất lượng đội ngũ HDV, Sở đã phối hợp với CLB HDV tổ chức các chương trình sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các hội thi, đặc biệt, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ HDV cho các đối tượng đổi thẻ, qua đó đánh giá lại đội ngũ HDV đã cấp thẻ.

 

* Nhiều phương tiện truyền thông gọi tình trạng HDV người nước ngoài dẫn khách tại các khu, điểm trên địa bàn thành phố là hoạt động “chui”, nhưng thực tế tình trạng này diễn ra rất ngang nhiên. Tại sao các HDV nước ngoài lại có thể lọt qua nhiều khâu quản lý như vậy, thưa ông?

 

- Năm 2015, Sở đã phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành tiến hành 131 đợt thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, HDV trên địa bàn. Qua đó, xử phạt 20 trường hợp với 179 triệu đồng; trong đó, đã xử phạt 147,5 triệu đồng đối với 8 người Hàn Quốc hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép và xử phạt 40 triệu đồng đối với hoạt động lữ hành quốc tế trái phép; đồng thời, có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh trục xuất 5 người Hàn Quốc về nước.

 

Từ tháng 5/2016 đến nay, cũng đã phát hiện, xử phạt 5 người Hàn Quốc vi phạm, với số tiền 90 triệu đồng, 2 người Hàn Quốc đưa vào diện không cho nhập cảnh trong thời hạn 3 năm. Phát hiện và xử phạt 4 HDV Việt Nam vi phạm trong quá trình hành nghề với số tiền 20 triệu đồng (trong đó có 1 trường hợp làm sitting guide); xử phạt 6 trường hợp người Trung Quốc vi phạm các quy định về nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Mức xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng hơn 120 triệu đồng. Tước giấy phép kinh doanh của Công ty TNHH MTV TM và DL Landscape…

 

Khách Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường lớn của Đà Nẵng, trong khi lực lượng HDV vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Với các thị trường tiếng hiếm, đang thiếu HDV, Tổng cục Du lịch đã có văn bản về việc chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của HDV trên địa bàn, cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế thiếu HDV tiếng hiếm sử dụng HDV quốc tế nói tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ mà trưởng đoàn quốc tế hiểu được) để giới thiệu cho khách, trưởng đoàn có trách nhiệm dịch cho đoàn tại chỗ.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số doanh nghiệp đã cố tình lách luật, vẫn tổ chức tour có HDV tiếng Anh tham gia hướng dẫn cùng trưởng đoàn của người nước ngoài, còn HDV người Việt chỉ làm “bình phong” đối phó với các cơ quan chức năng. Bản thân các HDV chưa nâng cao nhận thức, không phản ánh với công ty lữ hành, cơ quan chức năng. Việc tham gia hướng dẫn trái phép này hết sức tinh vi, một số đối tượng còn được sự tiếp tay của HDV và nhân viên tại một số khu điểm du lịch khiến việc kiểm tra gặp khó khăn.

 

* Có thông tin cho biết một số doanh nghiệp “nuôi” HDV người nước ngoài, khi có khách thì giao cả đoàn cho HDV này dẫn. Trách nhiệm của Sở trong công tác quản lý các đơn vị lữ hành ra sao?

 

- Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, chúng tôi phát hiện một số đơn vị lữ hành có hiện tượng bán tư cách pháp nhân cho người nước ngoài để tổ chức hoạt động du lịch trái phép. Việc các đơn vị “nuôi” các HDV người nước ngoài để giao khoán cả đoàn cho HDV thì chúng tôi cũng chỉ mới nghe thông tin và đang kiểm tra, xử lý.

 

Qua quá trình theo dõi và xử lý, có hiện tượng một số công ty lữ hành làm giấy phép lao động cho các đối tượng người nước ngoài vào làm việc dưới hình thức là trưởng đoàn, giám sát tour chứ không phải là HDV; một số doanh nghiệp đã lách luật để sử dụng các đối tượng này làm HDV. Chúng tôi đã và đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

 

* Ngành Du lịch sẽ làm gì để làm sạch môi trường du lịch của thành phố?

 

- Sở sẽ tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị, cá nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc nghi vấn hoạt động lữ hành, hướng dẫn trái phép trên địa bàn thành phố. Xử lý nghiêm đối với các đơn vị lữ hành, khách sạn, HDV Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép. Phối hợp với các đơn vị liên quan như Công an thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm an toàn, văn minh đúng pháp luật trong hoạt động, kinh doanh. Xây dựng phương án quản lý người nước ngoài đến Đà Nẵng tham gia hoạt động du lịch.

 

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, chất lượng hàng hóa, việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết tại các khu điểm du lịch, cửa hàng kinh doanh phục vụ khách du lịch. Phân loại cụ thể các HDV để tiện quản lý. Hiệp hội Du lịch lập bộ phận thường trực hỗ trợ HDV tiếp nhận, trợ giúp thông tin từ HDV khi cần thiết. Yêu cầu các công ty lữ hành đề nghị các đối tác nước ngoài quán triệt khách do doanh nghiệp khai thác chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch của thành phố Đà Nẵng trước khi đến Đà Nẵng.

 

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ thực hiện

Nguồn: baodanang.vn