Quảng Ngãi: Tăng cường kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường

Cập nhật: 14/07/2016
Nguồn tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư Trung ương về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều lần, hàng chục người dân sống xung quanh Nhà máy Xi măng Đại Việt – Dung Quất quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm, đã kéo nhau dựng lều tạm trước cổng nhà máy, ngăn cản không cho xe ra vào cổng

 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Ban Quản lý KKT Dung Quất, Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; rà soát bổ sung các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để tổ chức thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các cơ sở có lượng chất thải lớn, chất thải độc hại, nước thải ra biển, sông và có hoạt động nhạy cảm về môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời theo quy định của pháp luật.

 

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác kiểm tra, xác nhận các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành chính thức; Tổ chức rà soát và yêu cầu các đơn vị sản xuất kinh doanh có công nghệ sản xuất và xử lý môi trường lạc hậu phải xây dựng lộ trình thay thế trước năm 2020.

 

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của cơ quan chuyên môn các cấp về môi trường trong tổng hợp nhu cầu, đề xuất phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn chi sự nghiệp môi trường, bảo đảm việc sử dụng hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương, chấn chỉnh kịp thời tình trạng phân bổ không đủ, phân bổ sai nội dung chi, phân bổ dàn trải, không đúng trọng tâm ưu tiên về bảo vệ môi trường hàng năm. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.

 

Chủ tịch tỉnh đặc biệt quan tâm về kiện toàn bộ máy ngành môi trường từ tỉnh đến cơ sở theo hướng thống nhất, tập trung đầu mối, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tập trung nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh.

 

Giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật; trong đó, chú trọng các hành vi mua bán, vận chuyển, xả thải, tái chế sử dụng trái phép các loại chất thải, chất phóng xạ, hóa chất độc hại; buôn bán, nuôi nhốt các loài động vật hoang dã, quý hiếm không đúng quy định; phối hợp với các ngành liên quan điều tra, truy tố các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Đối với Ban Quản lý KKT Dung Quất, Ban Quản lý các KCN tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường đã được thẩm định, phê duyệt; việc xây dựng hạ tầng nhà máy phải đồng bộ với việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý môi trường theo quy định.

 

Chủ tịch Trần Ngọc Căng nhấn mạnh, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ c​hức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn và phối hợp với các ngành thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đạt kết quả.

Tin & ảnh: Võ Hà

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn