Nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch có trách nhiệm

Cập nhật: 15/07/2016
Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã thí điểm mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tại khu vực Vung Viêng. Mô hình này sẽ giúp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển gắn với đảm bảo sinh kế cho những ngư dân địa phương.

Một góc Vịnh Hạ Long

 

Để thấy được hiệu quả của mô hình thí điểm này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thúy Vinh - Điều phối viên Dự án Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tại Quảng Ninh.

 

PV: Xin bà cho biết, vai trò của MCD trong Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà?

 

Bà Lê Thị Thúy Vinh: Trong bối cảnh phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển gắn với đảm bảo sinh kế cho những ngư dân đã có đời sống sinh kế gắn bó lâu đời với biển, thì nuôi trồng thủy sản bền vững là bài toán rất khó đối họ. Bởi để đáp ứng hết tiêu chuẩn, tiêu chí về bảo tồn Vịnh Hạ Long, người ngư dân không thể tự làm được, nếu như không được các cơ quan chức năng hướng dẫn và hỗ trợ.

 

Với vai trò huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng địa phương, hướng tới sự đồng thuận của các bên liên quan, MCD đã tập trung thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan mà nòng cốt là TP. Hạ Long, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (VHL). Từ đó, các bên liên quan cùng nhau phối hợp triển khai các hoạt động của Dự án. Trong đó, mô hình thí điểm Nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng là một đề án ứng dụng thực hành tốt về NTTS trên biển theo những phương thức an toàn, thân thiện với môi trường. Mặt khác, mô hình là cơ sở bằng chứng tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hôi và cộng đồng tại địa phương tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

 

PV: Mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản bước đầu đã đạt được kết quả như thế nào, thưa bà?

 

Bà Lê Thị Thúy Vinh: Tháng 4/2016, Đề án thí điểm NTTS sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt để đi vào triển khai. Với sự chủ trì của UBND TP. Hạ Long, dự án đã thành lập được một nhóm nòng cốt gồm có 32 ngư dân tham gia.

 

MCD đã tổ chức cho đại diện các đơn vị đối tác tại Quảng Ninh tham quan các mô hình NTTS tại Bình Định và Phú Yên để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức cho nhóm cộng đồng ngư dân tham quan học tập tại các vùng lân cận có những thực hành tốt về NTTS tại Quảng Ninh.

 

Bên cạnh đó, MCD tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng ngư dân các nội dung về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng. Hiện nay, MCD đang hỗ trợ cho cộng đồng đóng 7 nhà bè NTTS tại Vung Viêng theo tiêu chuẩn quy định của UBND TP HL, dự kiến đến tháng 9/2016, sẽ hoàn tất để đưa vào hoạt động.

 

Trong giai đoạn từ tháng 7/2016 – 6/2017, MCD sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng hợp Vịnh Hạ Long. Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Bộ khuyến nghị và công cụ áp dụng cách tiếp cận đa bên trong quản lý Vịnh Hạ Long, thực hiện mô hình đồng quản lý trong bảo vệ rừng ngập mặn. Mặt khác, hỗ trợ thử nghiệm đặt các thùng rác kích cỡ lớn thu gom rác trên biển, tập huấn những vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu cho thanh niên…

 

PV: Để mô hình thí điểm này được nhân rộng trong tương lai, các bên liên quan cần làm gì, thưa bà?

 

Bà Lê Thị Thúy Vinh: Hiện nay, mô hình vẫn đang trong quá trình triển khai. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn của dự án, thời gian còn lại, MCD và các đối tác tại địa phương cần tích cực phối hợp để hoàn tất một số hoạt động cho đến khi kết thúc dự án. Đặc biệt, cần đánh giá hiệu quả mô hình để địa phương có thể nhân rộng và triển khai tiếp giai đoạn 2 của đề án, nếu có huy động được nguồn lực. Việc nhân rộng mô hình ở các khu vực cho phép trên VHL hoặc các tỉnh thành khác trong một không gian và điều kiện tự nhiên phù hợp là hoàn toàn có thể nếu chúng ta quản lý chặt chẽ.

 

Chính vì vậy NTTS bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm là một phương thức mới mà dự án muốn mang đến vùng Vịnh Hạ Long. Ở đây, NTTS trở thành một nghề của ngư dân và phải được coi như là một sinh kế không tách rời du lịch. Từ nguyên liệu làm nhà bè đến cách thức tổ chức nuôi, thức ăn cho cá, trình diễn cho khách du lịch xem… đều phải thân thiện với môi trường. MCD mong muốn, khi sản phẩm ra đời phải được địa phương tiếp nhận và quản trị một cách tốt nhất.

 

Để bảo vệ được môi trường Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tất cả phải ngồi lại với nhau để đưa ra các tiêu chí và đề xuất phương án giải quyết. Bảo tồn không có nghĩa là đóng khung lại, mà cần phải để nó trở nên có ý nghĩa, người ta phải nhìn thấy sự phát triển trong bảo tồn, từ đó, giá trị của Vịnh Hạ Long mới được phát triển và tôn vinh.

 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn