Vừa qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) và Công ty TNHH Du thuyền Sông Hàn đã báo cáo phương án đầu tư xe buýt hai tầng phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.
Lộ trình tuyến xe buýt du lịch văn hóa gồm 9 điểm của Công ty TNHH Du thuyền Sông Hàn khi dự án đi vào hoạt động (Ảnh: KS)
Theo đó, Tập đoàn Empire đề xuất dự án Coco City tour, đầu tư vận chuyển khách tham quan du lịch bằng xe du lịch mui hở 1 tầng và 2 tầng trên các tuyến đường nội thành và tuyến đường ven biển nối liền Đà Nẵng - Hội An. Tổng chiều dài khoảng 38,5km cho tuyến trung tâm thành phố và khoảng 96,5km cho tuyến nối liền Đà Nẵng - Hội An đi qua các điểm tham quan du lịch chính ở Đà Nẵng. Dự kiến, Tập đoàn Empire sẽ đầu tư khoảng 30 chiếc xe, trong đó có 20 chiếc mui hở 1 tầng và 10 chiếc mui hở 2 tầng bảo đảm vận hành trong 10 năm theo kế hoạch xây dựng và tiêu chí đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Du thuyền Sông Hàn cũng xây dựng loại hình du lịch city tour bao gồm du lịch văn hóa, du lịch nội thành và du lịch tâm linh.
Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng giao thông của Đà Nẵng còn nhiều điểm cần điều chỉnh nên trước mắt doanh nghiệp đề xuất tạm thời đầu tư giai đoạn 1 với tuyến du lịch văn hóa, lộ trình hoạt động từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Cung thể thao Tiên Sơn - Premier Village Danang Resort - khách sạn Holiday Beach - Công viên Biển Đông - bờ đông sông Hàn - Cầu Tình yêu - khách sạn Novotel và nhà thờ con Gà…
Các nhà đầu tư cũng đề xuất sẽ có các điểm dừng, đỗ và trạm/khu vực chờ đón, trả khách. Các trạm này sẽ được bố trí tại những vị trí phù hợp, không ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan khu vực và được triển khai tùy theo từng giai đoạn phát triển của dự án. Các nhà đầu tư hy vọng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 11 tới có thể tổ chức chạy thí điểm theo các tuyến được phê duyệt để rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện mô hình hoạt động trước khi chính thức đưa vào vận hành đại trà.
Theo ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Sở sẽ tạo điều kiện tối đa, phối hợp với doanh nghiệp để phát triển loại hình này nhưng đây là một sản phẩm du lịch mới nên doanh nghiệp cần tính đến các yếu tố liên quan như thiết kế xe, điều kiện hạ tầng của thành phố, chí phí dịch vụ…Trước khi đi vào hoạt động, thành phố sẽ tiến hành thử nghiệm, nếu đạt yêu cầu mới cấp phép hoạt động.
Còn theo Sở Du lịch Đà Nẵng, đầu tư các tuyến xe buýt này là điều cần thiết vì hiện nay tại các quầy thông tin ở sân bay của Trung tâm Hỗ trợ du khách, nhiều du khách hỏi về phương tiện này. "Hiện tại theo dự kiến, Coco City tour có tuyến 16 điểm, Du thuyền Sông Hàn có tuyến 9 điểm dừng đỗ trên tuyến, vì vậy hai doanh nghiệp cần cân nhắc để hình thành nên chuỗi phục vụ du khách từ lưu trú, ẩm thực, tham quan, giải trí… phù hợp, mang lại sự tiện lợi tối đa cho du khách", đại diện Sở Du lịch cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá cao ý tưởng của 2 doanh nghiệp; đồng thời nhấn mạnh, sản phẩm mới sẽ phát huy những lợi thế của Đà Nẵng cũng như mở rộng phát triển du lịch lên phía Tây thành phố, nơi có nhiều đồi núi, đường sông, đồng quê… Đặc biệt, trước tình trạng kẹt xe của thành phố thì loại hình phương tiện này sẽ giải quyết được một phần nhu cầu đi lại, tham quan của du khách vào thời gian cao điểm.
Để thực hiện hiệu quả dự án, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở GTVT chủ trì, làm đầu mối, rà soát lại các điểm đi, điểm đến, vấn đề hạ tầng, thiết kế xe sao cho phù hợp; phối hợp với hai nhà đầu tư làm nhanh, gọn để các nhà đầu tư tính toán mua sắm số lượng xe.
"Sở GTVT khẩn trương khảo sát dự án, chậm nhất nửa tháng nữa có báo cáo đề xuất cụ thể xe gì, thiết kế ra sao; đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng làm rõ những điểm đậu, đỗ, dừng trả, đón khách, kết hợp các điểm cung cấp thông tin cho du khách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp với Sở GTVT và nhà đầu tư hướng dẫn các điểm đến, điểm tham quan du lịch…”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh./.