Bà Rịa – Vũng Tàu: Biến rác thải thành tài nguyên

Cập nhật: 22/07/2016
Hiện nay, ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt rác thải sinh hoạt tại các đô thị lớn đã đến mức báo động. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu vẫn là chôn lấp. Phương án này vừa tốn diện tích đất chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vừa để lãng phí một nguồn tài nguyên từ rác thải.

Xử lý rác thải hợp vệ sinh tại Công ty TNHH KBec Vina

 

Nhiều hộ dân sống ở thôn Tân Long và thôn Suối Tre, xã Châu Pha (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phản ánh, khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn nước giếng khơi của họ bị ô nhiễm nặng, không ăn uống được. Bà Đỗ Thị Hảo, nhà ở tổ 5, thôn Tân Long cho hay, trước đây nước giếng khơi nhà bà rất mát và trong, nay nguồn nước này đã thay đổi rõ rệt, nước xuất hiện váng màu nâu và có mùi hôi khó chịu, đặc biệt là mỗi khi mùa mưa đến. “Từ khi phát hiện nước giếng không còn sạch như trước, gia đình tôi đã đi xin nước máy hoặc mua nước đóng chai loại 21 lít để ăn uống”, bà Hảo nói.

 

Theo bà Hảo và một số hộ dân sống ở thôn Tân Long và thôn Suối Tre thì ở thượng nguồn của suối Tre có bãi chôn lấp rác tạm 15ha xã Tóc Tiên. Mặc dù hơn 500.000 tấn rác đã được bốc lên xử lý lại theo quy trình hợp vệ sinh nhưng do thời gian tồn tại lâu (15 năm) nên lượng nước rỉ rác đã ngấm sâu trong đất. Có thể nước và chất thải từ bãi rác tạm này theo dòng nước mưa đổ về suối Tre, ngấm xuống mạch nước ngầm khiến con suối này và nguồn nước giếng của nhiều hộ dân bị ô nhiễm. Trước phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm của bãi rác Tóc Tiên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang phối hợp với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu, nghiên cứu, phân tích các chỉ số ô nhiễm trong đất và nước ở khu vực chịu ảnh hưởng của ô nhiễm.

 

Câu chuyện trên cho thấy việc chôn lấp rác thải sinh hoạt hiện nay đang xảy ra những bất cập vừa tốn nguồn đất, vừa có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Ở thời điểm cách đây gần 10 năm, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, công nghệ xử lý chất thải chưa phổ biến, việc chôn lấp rác tạm là giải pháp tình thế. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 500-550 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày của 6 địa phương (TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa; các huyện Tân Thành, Long Điền, Châu Đức và Đất Đỏ) được xử lý hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên. Hai địa phương còn lại là huyện Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo vẫn đang xử lý chất thải sinh hoạt (khoảng hơn 200 tấn/ngày) theo phương pháp chôn lấp tạm hoặc đốt bằng lò đốt công suất nhỏ, chưa bảo đảm quy chuẩn môi trường.

 

Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, phương pháp chôn lấp tạm thời hiện nay là đào một hố sâu khoảng 5-6m, không có tấm lót, sau đó phun chế phẩm vi sinh chống muỗi, chống ô nhiễm rồi lấp đất lên trên. Với quy trình lạc hậu như vậy khiến rác thải sinh hoạt được xử lý rất chậm, không đúng quy cách và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống.

 

Về lâu dài, để phát triển bền vững, Bà Rịa – Vũng Tàu cần phải tính toán đến những giải pháp căn cơ: phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải… để biến rác thải thành tài nguyên. Tại một cuộc họp mới đây với các sở, ngành, địa phương bàn về phương án xử lý chất thải, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng phân loại rác tại nguồn vẫn là kế hoạch trong tương lai không xa tỉnh phải thực hiện được. Bởi theo dự đoán, đến năm 2025, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày sẽ là 1.590 tấn/ngày (tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay).

 

Theo giải thích của các chuyên gia môi trường, phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích như: giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp thì khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm; giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt; tái chế các loại rác thải như nylon, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su... 

 

Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khi thực hiện được phân loại rác tại nguồn, tỉnh cũng tính đến những phương án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sau khi đã phân loại. Viện Quy hoạch môi trường và hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đề xuất công nghệ xử lý chất thải rắn của Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 là đốt kết hợp phát điện. Với phương pháp này, tỉnh sẽ giảm được từ 90-95% công suất chôn lấp, qua đó dành nhiều quỹ đất hơn cho phát triển đô thị.

 

Để thực hiện được các giải pháp trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; có cơ chế hình thành và phát triển các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, đốt và chôn lấp, sản xuất phân compost từ chất thải rắn…

 

                                                          Bài & ảnh: Thục Vy – Như Mây

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn