Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái Cù Lao Chàm liên quan rất mật thiết đến môi trường biển. Từ đó, việc quy hoạch, xây dựng các dự án, cần phải cân nhắc, đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng. Thậm chí các dự án phức tạp phải xin chủ trương để lấy ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Đó là kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong chuyến đi thị sát tại Cù Lao Chàm vừa qua…
Cù Lao Chàm sau khi xây dựng tuyến đường quanh đảo
Nhiều vấn đề đáng lo ngại
Ngày 26/7, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng nghiên cứu hợp tác quốc tế khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – đã nêu bật một loạt các vấn đề quan ngại, sự tác động của môi trường, hạ tầng giao thông sẽ ảnh hưởng xấu đến việc bảo tồn các hệ sinh thái tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Theo anh Vũ, về vấn đề chuyên môn, có thể kể đến như việc lo lắng về ảnh hưởng của các hoạt động của các dự án ven bờ biển. Như xả thải ra môi trường biển, chất thải sẽ theo dòng hải lưu tác động đến hệ sinh thái tại Cù Lao Chàm. Trong số đó, có thể kể đến vấn đề lo lắng về hệ thống xả thải một khi sân gôn (khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) đi vào hoạt động.
Hay các dự án được quy hoạch ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, một khi được xây dựng, nếu không có nghiên cứu và đánh giá cụ thể cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, dòng chảy… sẽ tác động đến hệ sinh thái tại Cù Lao Chàm.
Báo động hơn, những vấn đề có thể phát sinh từ tuyến đường giao thông quanh đảo Cù Lao Chàm.
Theo anh Vũ, đó là thực trạng xây dựng đường trên đảo, nhiều lớp đất đá được đổ xuống taluy âm.
Bên cạnh đó, là sườn đồi to phía taluy dương rất nguy hiểm, có thể sạt lở, hay đổ sập xuống biển bất cứ lúc nào.
“Nếu như có trời mưa, nước mưa sẽ cuốn trôi lớp đất đá bên taluy âm và đe dọa sạt lở bên taluy dương trên tuyến đường này và đổ xuống biển, đe dọa nghiêm trọng đến sự sinh tồn của hệ sinh thái dưới biển”- anh Vũ nói thêm.
Chưa hết, một thực trạng đáng lo ngại khác hiện nay, chính là việc bảo tồn cho sự sinh trưởng và phát triển của Cua Đá.
Nguyên nhân cũng xuất phát từ tuyến đường quốc phòng quanh đảo, đã chắn ngang gây trở ngại cho hoạt động di chuyển của Cua Đá xuống biển để sinh sản và lên núi sinh sống vào nhiều thời điểm trong chu kỳ sinh trưởng.
Lấy ý kiến chuyên gia trước khi phê duyệt dự án
Trước những báo cáo phản ánh ghi nhận từ các cơ quan ban ngành trong chuyến công tác tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) tháng 6 vừa qua, ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 215 thông báo kết luận nhiều vấn đề của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh.
Theo đó, đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án ở Cù Lao Chàm, vùng hạ lưu cửa sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Cổ Cò,… có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển hệ sinh thái Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cân nhắc, đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng; trường hợp phức tạp vượt quá khả năng, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xin chủ trương lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài có uy tín trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng đã có kết luận một loạt vấn đề về công tác quản lý bảo tồn khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Thống nhất chủ trương xây dựng trung tâm Hải dương học; quản lý bảo vệ rừng; điều chỉnh phạm vi vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm…
Về vấn đề xây dựng các tuyến đường trên đảo cản trở đường đi sinh sản của Cua Đá, UBND thành phố Hội An có văn bản kiến nghị bộ chỉ huy Quân sự tỉnh điều chỉnh hợp lý cống qua đường, tạo điều kiện cho cua đá có đường di chuyển lên xuống biển.