Với nhiều dự án du lịch đã và đang được triển khai xây dựng, đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được các nhà khoa học đánh giá là nơi lưu giữ sự đa dạng sinh thái hiếm có, với nhiều loại động thực vật phong phú. Theo thống kê, trên bán đảo Sơn Trà có 985 loài thực vật bậc cao, có mức độ đa dạng loài rất cao, dựa vào đặc tính về công dụng thì có 143 nhóm cây loại thuốc, 11 nhóm cây lấy dầu, 134 nhóm cây gỗ... Động vật trên bán đảo Sơn Trà mang tính đặc trưng của hệ thống động vật Nam Trường Sơn, có 135 loài, với nhiều động vật quý hiếm như voọc chà vá chân nâu, culi khỉ vàng, khỉ mặt đỏ... Trong đó, voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của thế giới. Theo ghi nhận của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, đến năm 2015, trên khu vực Tiên Sa, suối Ôm và hố Sâu ở bán đảo Sơn Trà có 16 đàn voọc, khoảng 160 cá thể...
Voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng quý hiếm sống ở bán đảo Sơn Trà đang chịu nhiều tác động vì các dự án du lịch.
Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà đang bị đe dọa khi địa điểm này là lựa chọn lý tưởng của du khách. Bà Phan Thị Hiền – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) cho biết, phát triển du lịch rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững đối với tài nguyên sinh vật tại bán đảo Sơn Trà. “Mỗi ngày bán đảo Sơn Trà tiếp nhận lượng khách đến tham qua rất lớn. Dự báo đến năm 2020, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ước đạt 8,9 triệu người mỗi năm. Và chắc chắn hoạt động của du khách sẽ gây những tác động xấu đến môi trường và đời sống của động vật hoang dã”, bà Hiền nói.
Theo thống kê, bán đảo Sơn Trà đang có nhiều dự án đầu tư, nhất là đầu tư về du lịch sinh thái, khi có 17 dự án với diện tích hơn 1.069 ha. Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ - Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cho biết, môi trường sống của các loại động vật, nhất là voọc chà vá chân nâu bị chia cắt và suy giảm về số lượng vì những dự án du lịch và khách tham quan đến bán đảo Sơn Trà. Năm 2016, khu vực quy hoạch cho 2 dự án ở Tiên Sa, suối Ôm, hố Sâu, Bãi Bắc nơi có khoảng 16 đàn voọc sinh sống bị tác động mạnh do chặt phá rừng. Ngoài ra, việc tôn tạo, nâng cấp, giải tỏa, xây dựng và cải tạo đường giao thông vào các khu du lịch tạo sự thay đổi liên quan đến loài và đa dạng sinh học.
Du khách đến với bán đảo Sơn Trà ngày càng nhiều tạo áp lực lớn đối với hệ sinh thái nơi đây.
Ông Thái Văn Quang – Trưởng phòng phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cho rằng: Hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà hiện phải chịu nhiều áp lực, trong việc bảo tồn hệ sinh thái và phát triển kinh tế. Hiện có nhiều dự án du lịch đã được UBND thành phố giao đất và đường giao thông mở thuận lợi và rộng khắp bán đảo Sơn Trà. Trong khi việc quản lý lại chồng chéo giữa các ban ngành. “Trên bán đảo Sơn Trà, ngành NN&PTNT chịu trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng, Sở Du lịch chịu trách nhiệm về phát triển du lịch, đưa các đoàn du khách đến với Sơn Trà, Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối cho những nghiên cứu khoa học, còn Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ công chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học. Kể vậy để thấy rất nhiều cơ quản có trách nhiệm quản lý ở đây, chúng ta cần phải tăng cường phối hợp tốt hơn để bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Chúng ta phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo hài hòa với phát triển đa dạng sinh học”, ông Quang nói. Ông Quang cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên bán đảo Sơn Trà có 6 vụ phát lửa khiến nhiều cây cỏ và rừng trồng bị cháy, đây cũng là nguy cơ lớn tác động đến hệ sinh thái.
Trước những nguy cơ hoạt động du lịch tác động đến hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà, bà Phan Thị Hiền cho rằng thành phố Đà Nẵng cần lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Còn Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ thì đề xuất: “Cần chuyển đổi Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thành khu bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu và thành lập Ban quản lý bảo tồn loài Chà vá chân nâu, kiểm soát du khách lên bán đảo Sơn Trà và tiến hành thu vé tham quan bán đảo, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế đồng quản lý rừng của bán đảo Sơn Trà giữa các bên liên quan. Có như vậy chúng ta mới bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà”.