Vừa qua, việc hòn Thiên nga trên vịnh Bái Tử Long bị trượt lở mất phần đầu rơi xuống nước đã để lại sự tiếc nuối cho rất nhiều người. Câu chuyện phải làm thế nào để bảo tồn những đảo đá còn lại có cấu trúc giống với hòn Thiên Nga lại được đặt ra.
Hòn Con Cóc có nguy cơ giống như hòn Thiên Nga
Theo thống kê, Vịnh Hạ Long (bao gồm cả Vịnh Bái Tử Long) có 1.969 hòn đảo, riêng khu vực được UNESCO công nhận là di sản thế giới có 775 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm cả đảo đất và đảo đá vôi. Đảo đá ở trên Vịnh Hạ Long có lịch sử tiến hoá, cấu trúc địa chất lâu dài, phức tạp và thành phần đá đa dạng. Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Thảo, Phó Chủ nhiệm Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Các đảo đá trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long được cấu tạo bởi các khối đá vôi xếp chồng lên nhau hình thành qua các thời kỳ vận động địa chất. Ở giữa các lớp này, có một lớp vật chất khác có chức năng liên kết kết dính chúng lại với nhau”.
Theo kết quả của đề tài “Nghiên cứu các quá trình địa chất, địa động lực hiện đại phục vụ quan trắc biến động các hang động và đảo trên Vịnh Hạ Long” (do Viện Địa chất và Khoáng sản và Sở Khoa học Công nghệ thực hiện), một số hòn đảo có khả năng xảy ra các hiện tượng tai biến địa chất có thể làm mất hoặc biến dạng như: Hòn Gà Chọi, hòn Đũa, hòn Bút, hòn Đỉnh Hương, hòn Thiên Nga, hòn Chó Đá, hòn Diều Hâu v.v.. Và nếu các đảo đá được cấu trúc dạng tháp với những thớ đá xếp nghiêng thì sẽ kém bền vững hơn những đảo có cấu trúc kiểu khác. Trong đó hòn Thiên Nga đã bị trôi mất 1/3 phần đầu và phần cổ có cấu trúc dạng nghiêng. Theo nhìn nhận của Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Thảo, hiện tượng hòn Thiên Nga bị trôi trượt là do lớp liên kết có thể bị phong hoá hay nước mưa bào mòn hoặc do một rung động nào đó các lớp này tách ra và trôi trượt xuống biển.
Cùng quan điểm này, PGS. TS Tạ Hoà Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, cho rằng: “Chuyện đầu hòn Thiên Nga bị trượt là hiện tượng tự nhiên hết sức bình thường. Đá vôi ở khu vực này cấu tạo đơn nghiêng, đảo đá ứng với phần cổ và đầu thiên nga lại có dạng tháp rất chênh vênh nên chỉ cần có chấn động nhỏ, hoặc do thế năng tích luỹ đủ kết hợp mưa gió (không nhất thiết), là sự trượt sẽ xảy ra. Trong trường hợp này là trượt theo mặt lớp và lao xuống biển, không dễ lấy lại để tái dựng. Chính mặt trượt trùng mặt lớp nên khá bằng phẳng. Hiện tượng hòn đầu Thiên Nga bị trượt tự nhiên không dính dáng đến chuyển động kiến tạo hay đứt gẫy địa chất nào cả”.
Cấu trúc địa hình của hòn Thiên Nga được giới chuyên môn về địa chất gọi là dạng mái nhà lệch. Theo PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đồng thời là chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu đã nói ở trên, Vịnh Hạ Long còn có dạng địa hình cuesta (hay hogback, hoặc dạng mái nhà lệch). Dạng địa hình này chủ yếu do thế nằm đơn nghiêng của đá gốc rất hay gặp ở rìa Đông Bắc của quần đảo Cát Bà, tức là rìa Nam - Tây Nam Vịnh Hạ Long và trong phạm vi Vịnh Bái Tử Long. Ngay trong phạm vi khu vực di sản thế giới Vịnh Hạ Long cũng có 2 hòn đảo rất nổi tiếng với dạng địa hình đó là hòn Con Cóc và hòn Ti Tốp. Hòn Con Cóc cũng xếp nghiêng, nhưng ở thế vững chãi hơn. Còn hòn Ti Tốp tuy có những thớ đá nghiêng nhưng lại xếp thành dạng núi dưới to trên thu nhỏ dần, thế vững vàng hơn so với hòn Con Cóc và hòn Thiên Nga. Ngoài hòn Con Cóc và hòn Ti Tốp ra, hiện nay Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng chưa có thống kê phân loại xem trên Vịnh có bao nhiêu đảo đá có cấu trúc giống như hòn Thiên Nga để đưa ra biện pháp bảo vệ cụ thể.
Về biện pháp bảo vệ, theo Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Thảo có thể khắc phục tình trạng này bằng cách khoan vào các khối đá, bố trí dây, lưới chằng các lớp đá lại kiểu như làm taluy đường để tránh sự trôi trượt đáng tiếc. Tán đồng quan điểm này, ông Nguyễn Công Thái, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Giải pháp trước mắt lúc này là gia cố, neo đá, chống sạt lở các khối đá, tảng đá kém bền vững ở những đảo đá có cấu trúc tương tự. Hiện nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang đề xuất thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở bờ hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long” trong thời gian 2 năm từ nay đến 2018.
Cùng với đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tăng cường phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai các hoạt động nghiên cứu, giám sát các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ ăn mòn của các đảo đá vôi. Hy vọng, những nghiên cứu này sẽ có tính thực tiễn cao, góp phần đưa ra những biện pháp chống sạt lở hiệu quả cho những đảo đá.