Du khách và nỗi sợ hãi về rác thải

Cập nhật: 22/08/2016
Tại các thành phố lớn, rác thải vẫn tràn lan, ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Đặc biệt, rác cũng đang là nỗi sợ hãi đối với khách du lịch khi đặt chân tới Việt Nam.

Người nước ngoài tham gia dọn rác tại Mũi Né

 

Ít khách du lịch - một phần do rác?

 

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch đã diễn ra ở thành phố Hội An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra rằng: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN và 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ ô nhiễm môi trường.

 

Nhiều du khách trong nước và quốc tế đặt chân đến các điểm du lịch ở nước ta đều không hài lòng về cách làm du lịch, đặc biệt là vấn đề rác thải và vệ sinh môi trường. Rác có ở khắp nơi công cộng như nhà ga, bến xe, sông hồ, kênh mương, vỉa hè, ngõ xóm…

 

Sau mỗi kỳ nghỉ lễ, rác ngập trên bãi biển là chuyện… thường

 

Thậm chí ở những nơi được cho là sạch đẹp như bệnh viện, công viên đều có rác thải bừa bãi do người dân ý thức kém xả ra. Đã có du khách nước ngoài nhận xét rằng: “Tôi nhận thấy ở Việt Nam luôn tỏ ra quan tâm đến môi trường, nhưng hiếm khi họ chịu làm gì đó để góp phần bảo vệ nó”. Và chuyện người nước ngoài không nề hà dọn rác ở Việt Nam khiến cho không ít người Việt cảm thấy xấu hổ. 

 

Tình trạng xả rác bừa bãi ở các điểm du lịch vẫn diễn ra như cơm bữa. Nhất là vào dịp nghỉ lễ, sau những cuộc vui chơi, ăn uống… người ta thản nhiên xả rác trước mặt  du khách đang tham quan, để lại những hình ảnh xấu xí, nhếch nhác, rất khó coi.

 

Cũng tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cộng đồng mến khách, sạch sẽ văn minh, du lịch mới thành công…”. Bất cứ khách quốc tế nào đến Việt Nam đều dễ dàng nhận ra sự thân thiện, nhiệt tình và rất mến khách của người Việt Nam.

 

Còn sạch sẽ văn minh thì chắc chắn ta chưa làm được khi rác bẩn… vẫn thấy nhiều trên đường phố, ngõ xóm. Phải chăng, ta ít khách du lịch đến cũng là vệ sinh môi trường kém? Đã có nhiều ý kiến yêu cầu Nhà nước và Bộ Giáo dục - Đào tạo hãy đưa việc giáo dục đạo đức vệ sinh môi trường vào học đường và coi đó là quan trọng hàng đầu so với các môn học khác. 

 

Một vấn đề rất đơn giản mà hiện nay ta vẫn chưa làm được là việc phân loại rác. Ở Hà Nội và một số thành phố khác tuy thấy một vài nơi đặt 2 thùng rác in chữ “rác hữu cơ” và “rác vô cơ” sơn 2 màu khác nhau để người dân phân biệt xả rác cho đúng. Nhưng dường như người dân không có ý thức, hoặc không hiểu đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ nên xả bừa bãi. Chính vì vậy, việc phân loại rác như “đánh trống bỏ dùi”…

 

Học người Nhật về giữ gìn môi trường 

 

Một trong những nguyên nhân đưa nước Nhật là một quốc gia sạch sẽ, văn minh là do họ đề ra quy trình phân loại rác chặt chẽ nhất thế giới. Rác ở Nhật Bản  được phân chia tới 4 loại rác chính: rác cháy được, rác không cháy được, rác ngoại cỡ và loại cuối cùng gồm các chai lọ thủy tinh, vỏ lon. Người Nhật còn phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt khác trong quá trình xử lý rác thải. Ví dụ, đối với rác cháy được, người dân bắt buộc phải bỏ vào trong túi và buộc lại. Các loại rác nhà bếp đều phải vắt sạch nước, bọc giấy báo rồi mới được phép cho vào túi rác. 

 

Gỗ vụn, cành cây trong vườn phải được cắt ngắn với kích cỡ nhỏ hơn 50cm. Ngoài ra, các loại giấy vụn bỏ đi chỉ cần buộc lại, không cho vào túi nhưng không được phép vứt vào ngày trời mưa. Còn rác không cháy được phải được đựng trong các túi nhựa trong suốt. Các vỏ chai nhựa rỗng phải được tháo nắp, gỡ mác, rồi cho vào một túi riêng biệt.

 

Khi muốn bỏ các loại rác ngoại cỡ như giường, tủ, quạt... bạn cần gọi điện trước để thông báo với công ty xử lý rác thải và phải tốn một khoản phí. Còn đối với các loại chai thủy tinh, vỏ hộp nhôm, thiếc, người dân phải vứt vào thùng rác. Các loại lọ xịt có hóa chất độc hại cần phải đục lỗ để thoát hơi và làm sạch. Các loại rác độc hại như pin, nhiệt kế vỡ... phải được bỏ trong túi bóng, có dán bên ngoài chữ  “rác có hại”.

 

Ý thức giữ gìn vệ sinh của người Nhật Bản rất cao. Trên thực tế, đường phố tại Nhật Bản có rất ít các thùng rác công cộng, chủ yếu chỉ có tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa... thế nhưng rác lại không hề xuất hiện trên đường phố.  

 

Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và việc xả rác cũng nhiều lên, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết rác thải thì sớm muộn chúng ta sẽ phải sống chung với rác, phải trả giá đắt về sự vô ý thức đối với môi trường. Đặc biệt cần có hình thức xử lý bằng phạt tiền đối với những người đổ, xả rác thải bừa bãi, cộng thêm hình thức lao động cưỡng bức như Singapore đang làm hiện nay.

Nguồn: báo An ninh thủ đô