Quảng Bình: Phát triển du lịch bền vững không phụ thuộc vào hậu quả Formosa

Cập nhật: 25/08/2016
Chiều 23.8 trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – cho biết, UBND tỉnh chuẩn bị tổ chức hội nghị về du lịch nhằm có những biện pháp cụ thể hơn nữa trong việc ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường biển, đồng thời có thể điều chỉnh về chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch để bảo đảm sự phát triển du lịch trong tương lai.

Những tàu cá đánh bắt gần bờ của ngư dân xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) nằm chỏng chơ không ra biển từ khi xảy ra sự cố môi trường biển đến nay. Ảnh: Lê Phi Long


Theo đó, có thể tỉnh Quảng Bình sẽ có sự chuyển hướng trong vấn đề phát triển du lịch để đảm bảo không phụ thuộc vào sự ảnh hưởng của Formosa đến môi trường biển, từ đó bảo đảm tính phát triển bền vững của ngành du lịch.

Những phương án có thể sẽ được triển khai cụ thể như phát triển mạnh du lịch về phía Tây của tỉnh, khai thác có hiệu quả hơn nữa các dịch vụ du lịch tại Phong Nha – Kẻ Bàng, các hang động, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm; phát triển du lịch theo hướng cộng đồng làm du lịch, người dân làm du lịch, du lịch trải nghiệm…

Về vấn đề hỗ trợ ngư dân, ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết ngay từ khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo đồng bộ mọi biện pháp nhằm hỗ trợ ngư dân trước khi có sự hỗ trợ từ Trung ương, như các biện pháp như hỗ trợ giá thu mua và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện UBND tỉnh đang tiếp tục triển khai có hiệu quả sự hỗ trợ của trung ương cho các ngư dân bị thiệt hại. Mặt khác tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp chính quyền nắm tình hình đời sống của ngư dân, đối với những nơi thực sự khó khăn thì tỉnh sẽ tiếp tục có những sự hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn khó khăn này.

Theo tìm hiểu của Lao Động tại tỉnh Quảng Bình, ngư dân các xã bãi ngang hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, ngư dân đã ra biển trở lại nhưng số lượng vẫn rất ít, nguyên nhân là do hải sản đánh bắt gần bờ về không tiêu thụ được vì giá rất thấp, mặt khác sản lượng hải sản trên biển giảm đi rất nhiều so với trước kia. “Không đi thì nhớ biển không chịu nổi, đi thì tiền thu không bù nổi tiền công” – ngư dân Trương Dư (trú xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) bùi ngùi nói.

Theo ông Cao Quý Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch – hiện mong muốn lớn nhất của ngư dân là làm sao ổn định được mức giá thu mua hải sản để ngư dân có nguồn thu. Đồng thời mong muốn cơ quan chức năng sớm nhận được câu trả lời về việc “Cá gần bờ đã ăn được chưa?”, “Vì khi chưa trả lời được câu hỏi đó thì cá ngư dân đánh bắt gần bờ về không thể tiêu thụ được hoặc tiêu thụ với giá rất thấp nên ngư dân càng chán nản” – ông Hà khẳng định.

Nguồn: laodong.com.vn