Mô hình nhà Bungalow ở Cô Tô

Cập nhật: 29/08/2016
Trên địa bàn huyện Cô Tô hiện có hơn 50 phòng nghỉ theo mô hình Bungalow, chủ yếu tập trung tại xã Đồng Tiến. Đồng Tiến cũng đã rất nổi tiếng với nhà nghỉ theo mô hình homestay. Hiện trên địa bàn Cô Tô có 19 hộ gia đình được huyện công nhận là mô hình homestay với 70 phòng nghỉ, chủ yếu tập trung tại xã Đồng Tiến. Phòng nghỉ làm theo mô hình Bungalow cũng có nét tương tự như homestay, người đầu tư phải có lợi thế về quỹ đất, lại có không gian ôn hòa mới phát triển được.
Bungalow của chị Vũ Thị Chuyên, thôn Nam, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô được coi là mô hình đầu tư quy mô nhất.
 
Nhà Bungalow năng động và gần gũi với thiên nhiên vì là nhà cấp 4, làm bằng gỗ. Đây là kiểu nhà có nguồn gốc từ Ấn Độ từ thế kỷ 17, diện tích nhỏ, riêng biệt, cơ cấu và các tính năng khá đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi cho một phòng nghỉ. Mỗi nhà chỉ có 1 phòng thích hợp với 2 người, có mái hiên rộng. Xung quanh nhà nghỉ, chủ nhân còn phải thiết kế vườn hoa, nếu rộng hơn nữa là vườn cây để tạo không gian cho các du khách thích gần gũi với thiên nhiên. Mô hình này không có ở khu vực thị trấn Cô Tô do quỹ đất hạn hẹp. Ở xã Thanh Lân tuy có quỹ đất rộng, nhưng không có Bungalow, bởi theo một vị lãnh đạo của xã là: “Do hiện tại Thanh Lân vẫn cách trở về giao thông do nằm tách biệt với đảo Cô Tô lớn nên có ít khách du lịch. Người dân vẫn chưa mặn mà lắm với đầu tư Bungalow”.
 
Xã Đồng Tiến có lợi thế nằm trên đảo lớn của huyện Cô Tô, giáp với thị trấn, lại có quỹ đất khá rộng. Xã có nhiều bãi biển đẹp như Hồng Vàn, Vạn Chảy và Cột đèn biển Cô Tô, nên hầu như khách du lịch đến Cô Tô đều ghé qua Đồng Tiến. Để tìm hiểu mô hình Bungalow ở xã, chúng tôi đến thăm mô hình của chị Vũ Thị Chuyên ở thôn Nam, xã Đồng Tiến được coi là mô hình Bungalow quy mô nhất. Chị Chuyên có tới 25 phòng tương đương với 25 nhà Bungalow, vì mỗi nhà chỉ có 1 phòng. Theo chị Chuyên, Bungalow không phải khách nào cũng tìm đến mà thường là giới trẻ, con các gia đình có điều kiện, bởi giá thuê phòng 1 triệu đồng/ngày đêm đắt gấp đôi, gấp ba giá phòng ở các nhà nghỉ khác. Thế nhưng cũng là giới trẻ, khi đi đông thì họ lại không chọn Bungalow, vì giá thuê cho cả đoàn đông, mất nhiều tiền mà phải đặt trước có khi hàng tháng. Họ lựa chọn nghỉ ở các nhà nghỉ, khách sạn ở thị trấn, vì ở đó dễ tìm phòng, có nhiều sự lựa chọn hơn khi sử dụng các dịch vụ khác, vả lại đi theo đoàn đông thì ở chỗ nào cũng vui. Để mô hình Bungalow hoạt động có hiệu quả, chị Chuyên còn có cả một sân bóng rộng khoảng 500m2 bên cạnh khu nhà nghỉ và khu vườn rộng chừng 200m2 trồng hoa. Khách trẻ rất thích ra sân đá bóng, chơi cầu lông, buổi tối họ tổ chức ca nhạc hay hát karaoke ngoài sân bóng. Nhiều đôi thích ra vườn hoa để chụp hình say sưa, lãng mạn.
 
Bungalow là mô hình thân thiện với môi trường, tạo sự đa dạng cho du lịch ở huyện đảo Cô Tô. Tuy thế, mô hình này kén, khi phát triển tràn lan rất khó thu được vốn về. Để đầu tư một nhà gỗ Bungalow ước tính chủ đầu tư phải chi khoảng 100 triệu đồng/nhà, thế nhưng chỉ dùng khoảng 3 năm là phải làm lại gần như hoàn toàn. Trong khi hiện tại khách đến Cô Tô chỉ vào mùa hè, mùa đông rất vắng khách. Khách đến với Bungalow là khách trẻ tuổi, bận học hành nên lượng khách chỉ đông vào cuối tuần. Một chủ Bungalow ở Cô Tô cho hay: “Một năm trừ những ngày mưa bão, rồi cấm cảng, chúng tôi có khách kín phòng 40 ngày/năm là tốt rồi”. Tuy thế, khi du khách đã trải nghiệm thì đều ấn tượng với Bungalow của Cô Tô. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, lượng du khách đến với Cô Tô ước tính khoảng 150 nghìn lượt người, trong đó lượng khách đến với Bungalow cũng không phải con số nhỏ.
 
Anh Vũ