Ngày 5/9, trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội, Ngoại trưởng Canada Stephane Dion đã công bố khoản viện trợ 15 triệu đôla Canada (hơn 11,5 triệu USD) cho dự án hỗ trợ Việt Nam ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Canada Stephane Dion chiều nay trả lời báo giới tại Đại sứ quán nước này ở Hà Nội. Ảnh: Trọng Giáp
Tại cuộc họp báo chiều nay, ông Dion nhấn mạnh Việt Nam nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dễ tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Canada cho rằng thách thức của Việt Nam là vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ, đồng thời giảm phát thải 8% khí nhà kính đến năm 2030. Biến đổi khí hậu không chừa một nước nào và Việt Nam, Canada cần hành động cùng nhau để thành công.
"Tôi nghĩ khoản đầu tư 15 triệu đôla Canada giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến, tìm các cách thức mới giúp giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ có lợi cho cả Việt Nam và Canada", ông Dion nói.
Trong cuộc hội đàm sáng nay, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao quyết định viện trợ của phía Canada trong nỗ lực sát cánh với Việt Nam trong đối phó với thách thức biến đổi khí hậu, đồng thời bày tỏ tin tưởng Canada sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi sau năm 2017.
Phó thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Canada, đánh giá cao chính sách đối ngoại tích cực của nước này, với vai trò là một thành viên G7 có trách nhiệm trên trường quốc tế và gắn kết hơn với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có việc thực hiện kế hoạch hành động ASEAN – Canada 2016-2020.
Việt Nam hoan nghênh Canada tham gia tích cực hơn nữa vào các diễn đàn khu vực trong đó có việc tăng cường hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017. Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất việc tăng cường tham vấn và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Văn Việt - Trọng Giáp