Ngày 6/9, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, Tây Ninh) tổ chức lễ đón bằng của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 2 cây cổ thụ trên 200 năm tuổi tại vườn là cây Di sản Việt Nam.
Mở vải đỏ văn bia Cây Di sản Việt Nam -Ảnh: Vacne
Hai cây cổ thụ được công nhận là cây di sản gồm: Cây dầu rái 269 năm tuổi, đường kính 2,2 mét, chu vi 6,8 mét, cao trên 42 mét; cây vên vên, 215 năm tuổi, đường kính 2 mét, chu vi 6,3 mét, cao 44 mét. Hai cây cổ thụ này đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Ông Châu Văn Văn, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho biết: Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có tổng diện tích 19.156 ha, nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Tân Biên, tiếp giáp với Campuchia, cách thành phố Tây Ninh 35 km. Nơi đây có sinh cảnh rừng lá rộng với quần thể cây họ dầu đặc trưng của miền Đông Nam Bộ, rừng khộp của Tây Nguyên, rừng tràm và đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long. Về thực vật, đến nay tại vườn đã xác định được gần 700 loài; về động vật đã ghi nhận 42 loài thú, 203 loài chim, 88 loài cá, 59 loài bò sát; trong đó có nhiều loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn.
Trong các thời kỳ chiến tranh, khu vực Lò Gò - Xa Mát là căn cứ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng...nên ngoài giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có giá trị về lịch sử, nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái.
Theo ông Phùng Quang Chính, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, việc lựa chọn và vinh danh hai cây cổ thụ tiêu biểu tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát là cây Di sản Việt Nam nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các nguồn gen tiêu biểu, giới thiệu sự phong phú của hệ thực vật Việt Nam với thế giới, góp phần tạo thêm sức hút cho khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát; đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ đa dạng các nguồn gen, bảo vệ cảnh quan môi trường, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh Tây Ninh phát triển theo hướng bền vững.
Hiện nay, cả nước đã có 2.609 cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam; trong đó có cây Táu hơn 2.100 tuổi ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì, Phú Thọ); quần thể 725 cây pơ mu có niên đại từ 300 -1.500 năm tuổi ở Tây Giang (Quảng Nam)...
LÊ ĐỨC HOẢNH